Có nên đặt cược tính mạng vào “anh Gúc”?

Có nên đặt cược tính mạng vào “anh Gúc”? 1

Ảnh minh họa


“Không thể cứ ho,sốt chút là cho đi viện”

Nhiều người hay nói khi có ai đó hỏi gì mà chưa có câu trả lời rằng “Cái gì không biết thì tra Google”. Đúng vậy, ngay cả khi trong nhà có người mắc bệnh, hay trẻ nhỏ có những biểu hiện bất thường mà các cha mẹ chưa tỏ, thói quen này được áp dụng liền.

Quả thực vào Google gõ cụm từ “Con nhà mình bị… phải làm sao hả các mẹ?” lập tức hiện ra hàng triệu kết quả. Trong đó, cơ man là những câu hỏi các mẹ muốn nhận được câu trả lời của những người đi trước như: “Con bị sổ mũi, các mẹ bảo mình nên làm gì?”; “Con nhà mình bị ho sốt mấy hôm nay phải làm sao?”…

Chị Nguyễn Hiền ở Trung Văn (Hà Nội) thường xuyên tra mạng tìm kiếm thông tin chăm sóc con. Chị chia sẻ: “Ngay từ khi mang bầu, mình thường xuyên lên mạng tìm thông tin, xem những chia sẻ của các mẹ đi trước. Sau khi đọc các bài viết, áp dụng một số cách ăn uống hợp lý, mình thấy lên cân ít mà con vẫn phát triển khỏe mạnh. Bé sinh nặng 3,5kg mà mình tăng có 11 kg.Rồi khi con chào đời, mỗi lần con bị làm sao thì mình lên trên mạng tra xem như thế nào, nếu thấy hợp lý thì mình áp dụng”. Gần đây nhất, cậu con trai 4 tháng tuổi của chị Hiền bị ho, chảy mũi nhiều. Như những lần trước chị dùng cái hút mũi cho con nhiều quá khiến bé chảy máu, sợ hãi. Khi đọc trên mạng cách trị sổ mũi cho con, xem clip hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa cách chỉ cần xịt một bên thôi là khắc rửa được cả hai bên. Chị áp dụng ngay và con đã bớt sợ hơn mà cũng đơn giản hơn. Chỉ sau một ngày, bé đã bớt hẳn sổ mũi và ho.

Một "tín đồ" khác của mạng xã hội là chị Diệu Thiện ở Hà Đông (Hà Nội). Chị là thành viên rất tích cực của cả hai trang web dành cho các mẹ. Chị thường vào diễn đàn để chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm dạy con, chăm sóc con của các mẹ khác. Chị Thiện cho hay: “Tìm kiếm thông tin trên mạng hiện nay là một điều vô cùng tiện lợi. Không thể cứ con hơi sốt, biếng ăn hay quấy khóc một chút… là mình mang đến viện ngay được. Không khí ngột ngạt ở viện có khi càng làm bé ốm thêm, thậm chí bị lây nhiễm chéo. Cho nên khi thấy con có biểu hiện bất thường mình lên mạng hỏi “anh Gúc” hoặc vào diễn đàn lập topic để hỏi các mẹ khác. Chẳng hạn như con mình mấy ngày nắng nóng vừa qua rôm sẩy nhiều, tra Google cách điều trị, mình áp dụng cho con tắm bằng lá đào, mướp đắng rồi lá vòi voi… chỉ sau 1 – 2 hôm là con hết liền. Hay như con húng hắng ho, tra Google thấy nói giã rau diếp cá, mình cũng thử thấy hiệu quả”.
“Thoát chết” nhờ Google

Cũng giống như nhiều chị em khác có con nhỏ, chị Trang (ở Định Công, Hà Nội) cho hay, cái gì không biết là lại vào Google. Con chị được gần 7 tháng, vợ chồng lại đi làm cả ngày, bà nội chăm con theo kiểu ngày xưa nên cũng không biết nhiều. Bởi vậy, chị hay tìm đến “anh Gúc” những lúc con có biểu hiện bất thường. Cũng nhờ Google mà chị có thêm nhiều kiến thức chăm sóc con nhỏ.

Nhớ một lần nhờ “bác sĩ Google”, chị đã đưa con đi khám kịp thời. Chị Trang kể: “Một lần thấy bé hơi khò khè, húng hắng ho, sổ mũi. Tôi nghĩ con bị viêm họng nhưng cũng không dám tự cho uống thuốc gì vì bé còn nhỏ quá. Sau một ngày bé cũng chỉ có dấu hiệu sốt nhẹ nhưng hơi thở thì rất nặng nhọc. Tra Google thì được biết thở nặng nhọc kèm rút lõm bụng và cổ là dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm, cần phải đưa trẻ tới viện ngay. Tôi kiểm tra con thì thấy đúng là cổ và bụng bé bị rút lõm thật. Vội vàng ôm con vào viện, bác sĩ chưa cần khám đã cho con tôi nằm lên giường thở ô xy vì bé bị thiếu ô xy trầm trọng. Hỏi thêm mới biết, nếu để lâu, thiếu ô xy lên não thì còn nguy hiểm đến tính mạng. Hú vía, may mà có “anh Gúc” bên cạnh”.

Cách chăm con chị Trang là thường hay “lê la” các diễn đàn phụ nữ, tham khảo các mẹ rồi tự áp dụng theo cách phù hợp với con mình nhất. Chẳng hạn như là sổ mũi học cách rửa mũi để không chảy vào họng, trẻ mấy tháng thì ăn dặm, ăn gì và chế biến thế nào… rồi cách vệ sinh hàng ngày cho con, dùng bỉm nào cho tốt; mấy tháng cho con chơi những gì… tất cả đều tìm trên Google.

Để quyết định phương thức ăn dặm cho con, ngoài kinh nghiệm người lớn, chị Trang cũng vào Google tìm hiểu. “Sau khi nghiên cứu các thể loại ăn dặm kiểu truyền thống, kiểu Nhật, kiểu Baby lead weaning... mình thấy “bồ kết” ăn dặm kiểu Nhật vì khoa học, gần gũi với mình... Lúc đầu định bữa nào nấu bữa ấy như kiểu truyền thống cho con được ăn thực phẩm tươi ngon, sau đi làm cũng không có thời gian nên quyết định chế biến thức ăn trữ đông giống ăn dặm kiểu Nhật. Chế biến thức ăn trữ đông kiểu này rồi bữa nào nấu bữa ấy để bà ở nhà chăm cháu đỡ vất vả chế biến. Con mình ăn kiểu này rất ngon miệng, lên cân cũng đều”, chị Trang cho hay.
Chỉ nên xem “anh Gúc” để tham khảo

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ, không thể phủ nhận việc Internet hiện nay đã giúp nhiều bậc cha mẹ hiểu biết, có thêm nhiều kiến thức chăm sóc con cái. Tuy nhiên việc tự ý chăm sóc, chữa bệnh cho con qua “bác sỹ Google” là điều lợi bất cập hại. Không ít các phụ huynh đưa con đến khám trong tình trạng bệnh đã nặng do trước đó chuyên tâm chữa bệnh cho con bằng các phương pháp tìm trên Google.

Mỗi cơ thể con người là một sự khác biệt, cần phải có sự chẩn đoán chính xác của chuyên môn mới áp dụng các phương pháp điều trị. Dựa trên vài triệu chứng, cha mẹ đã chẩn đoán thay bác sĩ và cùng nhau điều trị có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng.

Google là nơi cung cấp thông tin đa dạng và có mặt tích cực của nó. Vấn đề là người tra cứu thông tin phải biết chọn lọc và lựa ra những thông tin có thể tin tưởng được. Người dùng khi tra cứu nên hướng đến những trang web đáng tin cậy của các bệnh viện. Ngoài ra, chỉ nên xem thông tin từ Internet hay thông tin truyền miệng, kinh nghiệm là một nguồn tin tham khảo. Lúc bị bệnh cần nhất là đến gặp bác sĩ.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội