1
2
3

Học sinh lớp 12 trên khắp cả nước đang trong giai đoạn "nước rút" chuẩn bị bước vào kỳ tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học vô cùng căng thẳng. Để tích lũy thêm kiến thức học sinh quay cuồng trong lịch học dày đặc, từ học trên trường đến học thêm, ôn tập và làm đề ngày đêm tại nhà.

Chia sẻ với Tạp chí Sức khỏe+, em Hoàng Tú Chinh (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Thanh Hóa) cho hay, còn vài tuần nữa em sẽ bước vào một kỳ thi quan trọng. Trong gần 2 tháng gần đây, em đang tập trung ôn luyện kiến thức. Sáng và chiều em đều học tại trường, còn tối em học thêm 3 môn toán, anh, văn tại nhà thầy cô. Với lực học của mình, em cảm thấy khá lo lắng, sợ sẽ không đạt được kết quả tốt và không đậu nguyện vọng một mình đã đăng ký.

Trong khi đó, bố mẹ Tú Chinh thì đặt khá nhiều kỳ vọng vào khả năng của con. Tú Chinh cho rằng đây là một áp lực lớn với em trong kỳ thi sắp tới.

"Em đang cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất, không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ. Nhưng nếu trong trường hợp xấu nhất mà kết quả không được như mong muốn thì em hy vọng bố mẹ vẫn thấu hiểu và tiếp tục ủng hộ em", Tú Chinh chia sẻ.

Không chỉ học sinh lớp 12 chịu áp lực thi cử, mà các em học sinh lớp 9, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cũng trong tình trạng căng thẳng khi chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, chạy đua thời gian để ôn thi vào trường chuyên, lớp chọn. Ngoài lịch học, ôn thi dày đặc, nhiều em tâm sự, căng thẳng cũng đến từ sự kỳ vọng quá lớn về điểm số của cha mẹ đối với mình.

4

Theo chuyên gia Trần Thị Hương, Trưởng ban chương trình "Kết nối yêu thương", Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, trước mỗi kỳ thi các em học sinh phải đối mặt với rất nhiều áp lực khác nhau từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô và cha mẹ. Đáng chú ý, nhiều cha mẹ, thầy cô đặt kỳ vọng quá lớn vào con, đưa ra điểm mục tiêu, điểm thành tích trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp THPT.

5
C Hương

Nhiều cha mẹ cho rằng "có áp lực mới tạo nên thành công". Tất nhiên mục đích của việc cha mẹ đặt kỳ vọng, mong con đạt kết quả thi tốt vẫn là muốn con có một tương lai, một cuộc sống tươi đẹp hơn. Hoặc có những người cha người mẹ muốn con thực hiện được ước mơ về học hành, công việc dang dở trước đó của mình. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không thực sự hiểu con muốn điều gì, không lắng nghe tiếng lòng của con. Việc chịu quá nhiều áp lực trước mỗi kỳ thi có thể gây ra hệ lụy nguy hiểm về cả mặt tinh thần và thể chất cho con trẻ. Thậm chí có thể liên quan đến cả tính mạng, đặc biệt với các trẻ có tâm lý yếu.

Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), áp lực học tập, nhất là thông qua thi cử là 1 trong những yếu tố dẫn đến trầm cảm, thậm chí dẫn đến chết người vì tự tử.

Trong một nghiên cứu năm 2019-2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm học sinh thi chuyển cấp lên THPT và đại học.

7

Tình yêu thương của cha mẹ đối với con luôn song hành với sự kỳ vọng như một lẽ tất nhiên. Đó là sự mong đợi, tin tưởng con sẽ phấn đấu, trưởng thành và có một cuộc sống tốt đẹp. Theo chuyên gia Hương, kỳ vọng của cha mẹ chỉ có sai hoặc là chưa phát huy được hiệu quả. Thực tế, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn khi chưa hiểu về khả năng của con mình hay chỉ đơn giản là đặt kỳ vọng mà không có kế hoạch đồng hành, hỗ trợ con thì việc này sẽ không dẫn đến kết quả tích cực và vô hình chung lại là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với con.

Vì thế, để kỳ vọng của cha mẹ không trở thành gánh nặng trên vai con trẻ, cha mẹ hãy cố gắng dung hòa giữa kỳ vọng của mình và khả năng, mong muốn của con. Thấu hiểu con là yếu tố quan trọng để cha mẹ có thể cùng con vượt qua áp lực thi tốt nhất. Để làm được điều này, cha mẹ cần quan sát, đồng hành, trao đổi với con để hiểu năng lực, tố chất của con, hiểu con muốn gì, cần gì, lắng nghe cảm xúc của con, tôn trọng ước mơ của con. Khi đã thấu hiểu con, hiểu được năng lực, mong muốn của con, cha mẹ sẽ nhận ra việc tôn trọng quyết định và sở thích của con sẽ không còn quá khó khăn. Hãy tận hưởng hành trình đồng hành với con khám phá bản thân thay vì chăm chăm nhắm về một mục tiêu mà bố mẹ cho là tốt nhất.

Khổng Tử đã từng nói rằng: "Biết để học không bằng thích để học, thích để học không bằng vui để học". Đỗ đạt hay điểm cao không hẳn đã mang lại hạnh phúc. Chỉ cần con vui vẻ, tự tin vượt qua một chặng đường, một kỳ thi, với bất cứ điểm số nào thì cha mẹ cũng có quyền tự hào về con và chính bản thân mình khi đã được đồng hành cùng con.

8
9
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội