Michael Spann đã từ chối cho phóng viên chụp ảnh vì sợ bị kỳ thị.
"Máu có thể trào ra bất kỳ lúc nào, không vì một lý do nào cả. Nó có thể chảy ra khi tôi ở trường, ở nhà hoặc trong đêm. Tôi không biết khi nào máu sẽ chảy ra nhưng đôi khi nó khiến đôi mắt tôi bỏng rát. Tôi thường cảm thấy như có ai đó lấy búa đập vào bên trái đầu mình", Inman cho biết, máu chảy nhiều tới mức bạn bè ở lớp tin rằng bản thân anh bị quỷ ám.
Bệnh lạ song hành cùng những cơn đau đầu như búa bổ
Michael Spann đang đi xuống thang tại nhà riêng khi chàng trai trẻ này lần đầu khóc ra máu. Dòng máu cứ thế tuôn ra khỏi mắt, kèm theo một cảm giác đau đớn chớp nhoáng. "Tôi cảm thấy giống như bị ai đó dùng búa táng vào đầu", Spann, người sống ở Antioch, Tennessee (Mỹ), nói "Tôi chưa từng cảm thấy thứ gì như vậy". Anh lảo đảo ôm lấy đầu mình. Và khi nhìn thấy nét mặt hốt hoảng của mẹ, anh biết rằng có gì đó không ổn. Thực tế máu đang trào ra từ mắt, mũi và miệng của Spann. Sự kiện đó xảy ra từ năm Spann mới 22 tuổi.
Thời điểm ban đầu, ngày nào anh cũng khóc ra máu. Gần 7 năm sau, tình trạng có thuyên giảm một chút. Giờ anh chỉ khóc ra máu có một hoặc 2 lần mỗi tuần. Tuy nhiên cơn đau đầu không hề biến mất.
Các nỗ lực chẩn đoán tình trạng bệnh của Spann đều đã vấn phải nhiều hạn chế do anh không có bảo hiểm y tế. Spann từng tới 3 cơ sở cấp cứu ở địa phương. Gia đình cũng dành dụm tiền để anh có thể tới Bệnh viện Cleveland, sau khi một bác sĩ ở Nashville giới thiệu họ tới đây để gặp một chuyên gia thần kinh rất giỏi.
Spann đã tiến hành các xét nghiệm trị giá 4.300 USD trong phòng nghiên cứu. Nhưng các bác sĩ vẫn không thể xác định được nguyên nhân nào gây ra tình trạng khóc ra máu.
Bà Peggy Spann đã phải lên tờ The Tennessean để loan báo về tình trạng bệnh của con, với hy vọng sẽ tìm kiếm được sự giúp đỡ hoặc đơn giản là câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này.
Câu chuyện của Spann đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên có người khóc ra máu. Năm 2009, một người đàn ông khác tên Calvino Inman, cũng đang sống ở Tennessee, đã xuất hiện trên kênh truyền hình CNN để nói về tình trạng bệnh của mình.
Các bức ảnh và đoạn video ghi lại hiện tượng kỳ lạ của Inman hiện vẫn còn nhiều trên internet. Qua những bức ảnh, người ta thấy máu ứa ra từ khóe mắt Inman và chảy dài xuống má anh.
Tình trạng chảy máu kỳ lạ khiến Inman ban đầu còn tưởng mình mắc bệnh nan y sắp chết. Tuy nhiên các cuộc kiểm tra bằng máy siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp CT, do những chuyên gia giỏi ở Mỹ tiến hành đều không mang lại một kết quả bất thường nào.
Cuối năm 2009, 15 bác sĩ hàng đầu tới từ New York, Memphis và Atlanta đã trực tiếp kiểm tra tình trạng bệnh của Inman. Nhưng cuối cùng họ phải bất lực không thể tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng khóc ra máu đặc biệt này.
Y học hiện đại bó tay
Và không chỉ ở Mỹ mới có những người khóc ra máu. Tại Ấn Độ, Rashida Khatoon cũng từng gây chú ý khi khóc ra máu trong năm 2009. Các bác sĩ không thể lý giải nổi tình trạng của Khatoon, trong khi không ít lãnh đạo tôn giáo ở Ấn Độ cho rằng sự kiện là "phép lạ".
Kết quả là người ta thường cúi rạp mình trước Khatoon mỗi khi cô xuất hiện và còn mang đồ cúng tế tới nhà cô. Nhiều tín đồ đã vây quanh nhà cô, chỉ để chứng kiến hoạt động khóc ra máu đặc biệt.
Tương tự là trường hợp của Rashida Begum. Chị đã bắt đầu khóc ra máu hồi năm 2007, sau một cơn đau đầu nặng và nôn mửa dữ dội. Người chồng của chị, anh Mohammed Aslam, cho biết mình đã thử đi gặp nhiều bác sĩ ở vùng Patna của Ấn Độ. Nhưng ai cũng lắc đầu không biết vì sao vợ anh khóc ra máu.
Không rõ nguyên nhân cũng là thực tế mà Spann đang phải đối mặt. Viên bác sĩ thần kinh ở bệnh viện Cleveland phỏng đoán Spann có thể gặp phải một hiện tượng chảy máu tự phát lạ, với căn nguyên không rõ rệt.
Theo bác sĩ James Fleming, một chuyên gia về nhãn khoa ở Viện mắt Hamilton thuộc Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Tennessee, tình trạng khóc ra máu có thể không hiếm và lạ lắm như người ta tưởng. Ông và các cộng sự đã ghi lại thông tin chi tiết về 4 bệnh nhân từng mắc phải tình trạng khóc ra máu vì nguyên nhân không rõ trong khoảng thời gian 11 năm.
Năm 2004, công trình nghiên cứu của ông đã được xuất bản trên một tuần báo y học. Đây là lần đầu tiên xuất hiện một công trình nghiên cứu quy mô về tình trạng chảy máu mắt không rõ nguyên nhân kể từ năm 1935.
Các bác sĩ hiện gặp khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng khóc ra máu do bất kỳ hoạt động kiểm tra nào cũng có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho bệnh nhân, theo quan điểm của Fleming.
"Có thể có nguyên nhân, nhưng tuyến lệ chỉ có đường kính 1, 2 tới 3 mm", Fleming nói, "Đó là một đường ống. Để kiểm tra đường ống đó từ đầu này tới đầu kia có thể gây sẹo. Anh cũng có nguy cơ mất một phần tuyến lệ. Đó là nền tảng của vấn đề, rằng chúng ta có thể khiến ai đó bị tật nguyền vĩnh viễn".
"Sống mòn" chờ ngày thành cụ già sẽ tự khắc khỏi bệnh
Với Spann, tình trạng khóc ra máu có thể xem là một dạng tật nguyền. Cuộc sống dần trở thành ác mộng đẩy anh tới chỗ lánh xa những người khác. "Tôi thường bị những đứa trẻ đạp xe ở quanh nơi ở chỉ vào mình và nói rằng, "Gã đó khóc ra máu đấy"", Spann kể và cho biết thêm rằng sự riêng tư là lý do vì sao anh không muốn lộ mặt ra trong các cuộc phỏng vấn báo chí.
Anh đã không thể làm việc hoặc theo học đại học vì tình trạng khóc ra máu. "Cứ kiếm được việc làm một thời gian, tôi lại bị sa thải vì mắt tôi bắt đầu ra máu và họ không thể giữ tôi lại", Spann nói, "Hiển nhiên tôi không thể là một bồi bàn và làm việc tại bất kỳ địa điểm công cộng nào, đơn giản vì tôi đang chảy máu". Anh cũng khẳng định bản thân hoàn toàn khỏe mạnh trước khi tai họa diễn ra.
"Cứ khi nào nó bắt đầu nói chuyện với ai đó, đôi bắt nó lại ngầu đỏ máu", mẹ đẻ Peggy Spann của anh cho biết, "Người ta chưa từng nhìn thấy hiện tượng này trước kia nên họ vô cùng sợ hãi. Thật vô cùng chán nản khi biết rằng chưa có thuốc điều trị hoặc làm thuyên giảm tình trạng này".
Trong nỗ lực lý giải nguyên nhân Spann khóc ra máu, gia đình anh đã tìm cách liên lạc với người đồng cảnh ngộ Inman, nhưng không thành. Theo Fleming, việc kết nối những người gặp phải tình trạng khóc ra máu có thể giúp họ xử lý tránh khỏi tình trạng cô lập. Ông hiện đang cố kết nối các bệnh nhân, sau khi có được sự đồng ý từ họ. Michael Spann đã có ý định gửi thư tới Fleming, nhờ ông giúp đỡ.
Thật may mắn, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng khi bệnh nhân nhiều tuổi hơn, tình trạng khóc ra máu sẽ giảm đi và cuối cùng ngừng hẳn. "Phần lớn các bệnh nhân đều khá trẻ", Fleming nói, "Khi họ trưởng thành, tình trạng chảy máu giảm đi và cuối cùng chắc chắn sẽ kết thúc".
Tuy nhiên có thể thấy việc "sống mòn" để chờ đợi hiện tượng này kết thúc, như những gì Spann đang phải trải qua, cũng giống như việc chẳng có cuộc sống vậy.
Bình luận của bạn