"Đánh bạc" với dịch sốt xuất huyết?

Sau 2 lần tổ chức đoàn giám sát hoạt động phòng chống dịch tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) trong các tháng 7 và 8, Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) đã phát hiện sự chênh lệch khá lớn về số ca mắc sốt suất huyết (SXH) giữa báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố với huyện.

Huyện có 190 ca, thành phố báo cáo… 83 ca

Tính trong 6 tháng đầu năm 2013, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện Hóc Môn do TTYTDP thành phố báo cáo là 83 ca. Trong khi đó, số liệu do TTYTDP huyện báo cáo lại là 190 ca, cao gấp 2,3 lần so với con số của thành phố.


Ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - 1 trong 3 đơn vị mà TTYTDP TP.HCM chủ yếu lấy báo cáo số liệu.

Nguyên nhân, theo Viện Pasteur, do TTYTDP thành phố chủ yếu chỉ ghi nhận ca bệnh từ số liệu của 3 đơn vị là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trung tâm này đã không ghi nhận ca mắc SXH từ TTYTDP huyện Hóc Môn báo cáo lên. Từ đó, có sự chênh lệch số liệu lớn giữa 2 tuyến.Viện Pasteur cho rằng, tình trạng này có thể cũng xảy ra tương tự ở các quận, huyện khác. Hậu quả, TTYTDP TP.HCM đang báo cáo sót một số lượng đáng kể ca mắc SXH nhập viện tại các bệnh viện quận, huyện. Theo TTYTDP huyện Hóc Môn, mỗi tuần bệnh viện huyện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân SXH điều trị nội trú, nhưng đã không được TTYTDP thành phố cập nhật để chống dịch. Vấn đề quan trọng này đã được Viện Pasteur nhắc nhở nhiều lần khi đi giám sát, nhưng vẫn chưa được TTYTDP thành phố khắc phục.

Dấu hiệu "nhân bản" báo cáo

Đoàn giám sát còn phát hiện TTYTDP thành phố cho phép các TTYTDP quận, huyện thực hiện báo cáo dịch bệnh hằng tuần qua thư điện tử. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ Y tế.Chưa hết, theo thông tin mà chúng tôi có được, TTYTDP TP.HCM đã thực hiện các báo cáo kiểm soát dịch bệnh cho Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM theo kiểu "có một không hai".

Theo thống kê của TTYTDP TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, có gần 5.400 ca mắc SXH tại TP.HCM. Trong đó, đã có 4 ca tử vong. Ca tử vong vì SXH gần nhất xảy ra vào ngày 7.8.

Các báo cáo ca bệnh SXH và bệnh truyền nhiễm từ tuần 32 (tức đầu tháng 8) đến tuần 38 (giữa tháng 9) đều được Giám đốc TTYTDP thành phố Nguyễn Trí Dũng ký ngày 27.9(?). Điều này có đúng với các quy định về kiểm soát, phòng chống bệnh truyền nhiễm không?

Đáng kinh ngạc hơn, báo cáo ca SXH tuần 32 có số Công văn 1561, nhưng số công văn của tuần 33 lại là 1560. Rồi cứ thế số công văn được đánh lùi lần lượt cho đến công văn của báo cáo tuần 38 được đánh số 1555 (?). Tương tự, báo cáo bệnh truyền nhiễm của tuần 32 được đánh số công văn 1571 và cứ thế lùi dần, thế là báo cáo tuần 38 có số Công văn 1565 (?).
Ai cũng biết vấn đề dự phòng là yếu tố then chốt để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho sức khỏe và đời sống người dân. Trong đó, việc thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo số liệu là hết sức quan trọng. Ở đây, còn quá sớm để đặt vấn đề động cơ nào khiến cho số liệu dịch bệnh bị sai lệch lớn đến như vậy, việc báo cáo dịch bệnh lại hời hợt, hình thức và qua loa đến như vậy? Nhưng rõ ràng, qua các sự việc trên, cho thấy thái độ coi thường công tác phòng chống dịch của TTYTDP TP.HCM.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin