Đầu độc người tiêu dùng bằng hàng khô tẩm hóa chất

Tôm, mực, cá khô là những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Vào mùa mưa, vài lát khô cá lóc, cá tra hay cá dứa trên bàn ăn đều trở thành... đặc sản. Tuy nhiên, nếu không đề phòng, người tiêu dùng dễ mua phải những loại sản phẩm khô có tẩm hóa chất độc hại mà không biết.

Bảo quản bằng... hóa chất

Chị Bình (ngụ quận 2, TP HCM) vốn rất khoái các món ăn chế biến từ những loại thủy, hải sản khô. Để không mất thời gian, mỗi lần đi chợ, chị mua về cả ký khô cá tra, cá dứa, cá lóc trữ trong nhà. Bịch khô cá tra chị Bình mua về từ tuần trước, mới đây mở ra đã đổ nhớt, mốc xanh.

Lo ngại, chị Bình ra chợ trách người bán. Bà Tư - chuyên bán đồ khô ở chợ Xóm Chiếu, quận 4, TP HCM - trách ngược chị: "Vậy là không biết cách bảo quản rồi. Sạp khô của tôi có vài chục loại, mỗi loại tôi mua cả chục ký trở lên để bán dần cả tháng, nếu như chị thì chỉ có nước đổ bỏ". Sau đó, bà Tư bảo chị Bình đem bịch khô bị mốc ra để bà đổi lại hàng mới. Với mớ khô hư, bà Tư khoe sẽ có cách "trị" riêng.

Hàng khô được bày bán đầy các chợ nhưng ít khi được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

Ông T.H.T - thương lái ở Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang chuyên bỏ mối khô cho các vựa lớn ở TP HCM - cho rằng ông biết rất rõ các công đoạn chế biến khô của dân làng biển. Trước đây, nếu muốn làm khô, người ta thường ướp với muối, đường, bột ngọt chừng vài ngày cho thấm; tiếp đó vớt ra ướp trong thùng nước đá cả ngày để khi phơi, mình cá, tôm trong vắt.

"Tuy nhiên, sau này không ai làm như vậy. Cá, tôm khi bắt dưới biển lên phải chờ cả tuần mới về đất liền. Khi ghe cập bến, chúng được phân loại và xẻ thịt ngay ở bãi biển. Cá sẽ ướp chất clorin cho trắng da; còn tôm được tẩm phẩm màu đỏ trước khi ướp các loại muối, chất làm cứng mình và chất tạo ngọt..." - ông T. tiết lộ.

Theo ông T., tất cả khô chỉ được sấy trong lò hoặc phơi ngoài bãi cát khoảng 2 nắng. Lúc này, toàn thân cá, mực cong queo, nhăn nhúm, nếu không xịt chất sorbitol thì không có độ bóng sáng và không mềm, người ăn sẽ thấy dai, cứng.

Chị Sấm - một tiểu thương bán đồ khô ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM - dè dặt cho biết hàng khô lấy về bán lẻ cơ bản đã được tẩm hóa chất khi chế biến tại cơ sở. Tuy nhiên, người bán lẻ hằng ngày phải dùng khăn tẩm hóa chất lau lên mình cá, sau đó xịt thuốc chống kiến, ruồi. "Vì vậy, đồ khô của tiểu thương để từ ngày này qua ngày khác không sao, còn người tiêu dùng mua về trữ trong nhà thường bị đổ nhớt, nổi mốc" - chị Sấm giải thích.

Nguy hiểm cho người sử dụng

Theo một chuyên viên y tế dự phòng, những hóa chất dùng để bảo quản các mặt hàng khô được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cực độc, sử dụng hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, bifenthrin là loại hóa chất dùng trong thuốc trừ sâu; clorin dùng để khử trùng và tẩy trắng, dính vào quần áo là gây rách ngay...

Những hóa chất này là thuốc gây tê, tác động lên hệ thần kinh hô hấp làm cho ruồi, muỗi, kiến chết; người ăn phải sẽ bị ngộ độc, nhẹ thì buồn nôn, nặng thì khó thở, cơ thể tím tái. Chúng tích tụ trong cơ thể lâu dài sẽ phá hư nội tạng.

Cũng theo chuyên viên này, khi bào chế hóa chất thành sản phẩm dạng xịt muỗi, nhà sản xuất khuyến cáo người tiêu dùng tránh để chế phẩm tiếp xúc với mắt, da và quần áo, rửa sạch tay với xà phòng và nước sau khi dùng, không sử dụng trong phòng em bé và người bệnh. Khi dùng xong cũng không được ném bình xuống kênh rạch và các nguồn nước công cộng, phải vứt bỏ đúng nơi và không được đập vỡ bình, tránh xa tầm tay trẻ em, thú nuôi…

"Chỉ cần đọc những khuyến cáo này đã thấy ngay mức độ độc hại của hóa chất diệt côn trùng. Vậy mà người ta dùng nó xịt hằng ngày để bảo quản đồ khô thì mức độ độc hại đối với người ăn là rất lớn" - chuyên viên này lo ngại.

Loại nào cũng có

Chúng tôi đến chợ Kim Biên, TP HCM tìm mua hóa chất ướp cá khô, một tiểu thương nói thẳng: "Hóa chất ướp cá khô nhiều lắm, khách mua loại nào, tôi bán loại đó chứ không kể hết được".

Khi nghe chúng tôi nói muốn đặt mua hóa chất ướp cá khô dài hạn, người bán cho biết: "Mối của tôi ở dưới tỉnh đều ghi "toa" mua những thứ này nè: Nếu làm khô mực, cá nục thì dùng bifenthrin; khô cá tra dùng trichlorfon; cá hồng, cá mối dùng lưu huỳnh…".

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin