Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu chứa methanol, cách phòng tránh thế nào?

Rượu chứa methanol rất nguy hiểm đối với người sử dụng

Methanol là nguyên nhân của gần 50% ca tử vong do ngộ độc rượu

Nhận diện say rượu và ngộ độc rượu nguy hiểm tính mạng

Vì sao methanol có nhiều trong rượu nấu thủ công?

Bạn có biết cách nhận biết người bị ngộ độc methanol?

Liên tục ghi nhận các vụ ngộ độc rượu chứa methanol

Đã có nhiều cái chết thương tâm vì ngộ độc rượu chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp). Chẳng hạn như mới đây trong ngày 5/8, một nhóm 8 người đa số là sinh viên phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu chứa methanol cùng nước ngọt tại nhà hàng ở TP. Thủ Đức, vụ ngộ độc này khiến 2 trường hợp tử vong.

Hiện còn 6 người bị ngộ độc methanol, 2 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (đã ổn định), 4 người điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong đó có 1 người nguy kịch.

Bệnh nhân ngộ độc methanol nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân ngộ độc methanol nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: BVCC

Theo Tuổi Trẻ Online, sáng ngày 8/8, một lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận thêm 5 ca ngộ độc cồn methanol sau khi uống rượu pha cồn rửa tay. Tất cả bệnh nhân này đều đang được theo dõi tại bệnh viện.

Còn tại Cà Mau, vào ngày 25/7 cũng ghi nhận 2 ca tử vong do ngộ độc rượu methanol. Hai người này nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy. Dù các bác sỹ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả 2 đã không qua khỏi.

Vậy methanol là gì lại có thể gây nguy hiểm chết người?

Theo tài liệu của Bộ Y tế, methanol là loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Trong đời sống, methanol được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Làm sơn, làm dung môi như sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh. Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm chất lỏng rửa kính chắn gió, chất chống đông đường khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, chất lỏng máy sao chép, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thức ăn và các loại nhiên liệu khác…

Nếu rượu uống (ethanol) được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Song, rượu methanol lại có vị hơi ngọt hơn ethanol nên dễ đánh lừa người dùng.

Ngộ độc rượu methanol xảy ra khi nào?

Ngộ độc rượu methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì cơ thể thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và có khả năng chuyển sang thể khí ở điều kiện thường, không màu, mùi cây xốc, khó ngửi, tan nhiều trong nước) và acid formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể dẫn đến tử vong.

Độc tính của methanol có thể ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt. Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu. Nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, hạ huyết áp), đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Cách sơ cứu ngộ độc methanol

Để sơ cứu cho người bị ngộ độc methanol, trước hết, bạn phải tuân theo các cách thức sơ cấp cứu nói chung cho các bệnh nhân ngộ độc. Bạn chỉ thực hiện dưới sự chỉ định và giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc sau khi đã gọi điện tới Trung tâm Chống độc hay đường dây nóng tư vấn về ngộ độc methanol để được các cán bộ chuyên trách hướng dẫn.

Phân biệt rượu có chứa methanol thế nào?

Nhìn bằng mắt thường rất khó để nhận biết rượu có chứa methanol

Nhìn bằng mắt thường rất khó để nhận biết rượu có chứa methanol

Theo Ths. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có 2 cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.

Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như: Tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra, có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt.

Còn một cách khác có thể áp dụng khá chính xác là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa 2 bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.

Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

Cùng chung ý kiến, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống: "Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, người uống cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và hạ huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch".

Cách phòng tránh ngộ độc rượu methanol

Để phòng tránh ngộ độc rượu theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt là rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Ngoài ra, không nên uống rượu khi đói và không uống nhiều. Đơn cử như với rượu sâm banh (nồng độ 11%), nên uống khoảng 150-200ml; Rượu trắng (nồng độ 35-40%), nên uống khoảng 25ml.

Bên cạnh đó, người dân không uống rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, không uống rượu kèm với các loại nước có gas. Người đang sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh Cephalosporin, nhóm Phenicol (Chloramphenicol), nhóm Azol (như Metronidazol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ (như Diclofenac, Ibuprofen...) nên hạn chế hoặc không nên uống rượu./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin