Đấu thầu thuốc "quy về một mối": có khả thi?

Sau nhiều năm để các bệnh viện tự chủ trong việc tổ chức đấu thầu thuốc, năm nay Sở y tế TP.HCM, đứng ra “thay mặt” toàn bộ các bệnh viện trực thuộc tổ chức đấu thầu thuốc, nhằm “quy về một mối”, tránh tình trạng lợi ích nhóm như một lãnh đạo của ngành y tế đã lý giải.

Thật ra, nếu ngược dòng thời gian, thì cách tổ chức đấu thầu thuốc theo kiểu “quy về một mối” này không phải là lần đầu tiên.


Đấu thầu thuốc “quy về một mối” chỉ gây thiệt hại cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện- Ảnh: MH

Vào năm 2007, Sở y tế TP.HCM cũng đã tổ chức đấu thầu theo kiểu này, nhưng khi đẩy thuốc xuống các bệnh viện được một vài gói thầu thì bỗng dưng “dội ngược" lên, vì các bệnh viện thuộc cấp, viện lý do không có nhu cầu những loại thuốc này. Kết quả, lãnh đạo Sở y tế bỏ hình thức đấu thầu này.

Do vậy lần quay trở lại đấu thầu theo kiểu “quy về một mối” này của Sở y tế khiến nhiều chuyên gia về dược, lãnh đạo các bệnh viện tỏ ra hoài nghi và lo lắng.

Việc lo lắng này xuất phát từ “chiếc bánh” đấu thầu vốn trước đây được chia đều cho các bệnh viện, nay Sở y tế thâu tóm hết, khiến các bệnh viện không mặn mà trong việc nhập thuốc, và cũng có thể thuốc trúng thầu không phù hợp với nhu cầu của bệnh viện.

Theo lãnh đạo của một bệnh viện, trước đây, khi bệnh viện tự tổ chức đấu thầu, lãnh đạo khoa dược sẽ thống kê toàn bộ thuốc hiện có của bệnh viện, và căn cứ vào tình hình thực tế khám chữa bệnh của bệnh viện để lập ra một danh mục thuốc cần đấu thầu.

“Giờ đây, sở y tế tổ chức đầu thầu, đâu biết ở bệnh viện cần thuốc gì, thiếu thuốc gì, cứ đấu thầu kiểu tràn lang, thuốc trúng thầu nhiều khi không phù hợp với bệnh viện, không lẽ bắt bệnh viện phải mua.

Nhiều loại thuốc trùng thầu đưa xuống bệnh viện không phù hợp, có thể thuốc đó chất lượng thấp, bệnh viện có rồi, cần thuốc chất lượng cao...”, vị lãnh đạo bệnh viện này phân bua.

Tuy nhiên, cái lo lắng quan trọng nhất là giá thuốc và chất lượng thuốc trúng thầu.

Theo phân tích của PGS.TS Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội dược học TP.HCM, việc sở y tế “thu về một mối” đấu thầu thuốc cho toàn bộ các đơn vị, bệnh viện trực thuộc thì chỉ có những “ông kệ” mới trúng thầu, còn các đơn vị phân phối nhỏ chắc chắn sẽ không đủ năng lực, khả năng đáp ứng một khối lượng thuốc khổng lồ cho mấy chục bệnh viện. Do đó, hồ sơ dự thầu của những đơn vị nhỏ này sẽ sớm bị loại vì không đủ năng lực đáp ứng.

“Khi đó, chỉ còn một vài “ ông kệ” lọt vào, và cũng không loại trừ những “ông kệ” này bắt taynhau để làm giá, mỗi “ông kệ” sẽ chia nhau mỗi gói thầu. Khi đó tất cả đều trúng thầu với mục đích mà mình mong muốn”, ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, có thể năm đầu tiên những “ông kệ” này chưa đẩy giá thuốc lên cao, vẫn đưa giá thấp để dễ trúng thầu, nhưng thường sẽ là thuốc ở hàng chất lượng thấp. Tuy nhiên, những năm sau đó, các “ông kẹ” đã biết mặt nhau, lúc này sân chơi chỉ dành cho họ (vì những đơn vị nhỏ cho dù giá thuốc rẻ, chất lượng cao nhưng không đủ khả năng đáp ứng đã bị loại) nên sẽ bắt tay đẩy giá thuốc lên cao nhưng chất lượng thuốc vẫn ở hàng chất lượng thấp.

Chính việc tổ chức đấu thầu “quy về một mối” khiến cho sự canh tranh về giá thuốc bỏ thầu gần như không có, vì đây chỉ là sân chơi của những “ông kệ”, họ có quyền thao túng giá thuốc.

Trong khi đó, những đơn vị phân phối thuốc với quy mô nhỏ, không có cơ hội để tham gia sân chơi này, vì không đủ sức “bao thuốc” cho mấy chục bệnh viện, nhưng có khi giá thuốc lại rẻ hơn và chất lượng tốt hơn.

Điều này cũng đã thể hiện rõ trong nhiều năm qua, khi giá thuốc đấu thầu vào các bệnh viện thường cao hơn so với giá thuốc ngoài thị trường.

Một khi quyền lợi của Sở y tế mâu thuẫn với quyền lợi của các bệnh viện, nhiều khả năng các bệnh viện sẽ viện lý do từ chối nhận thuốc, khi đó thuốc trong các bệnh viện sẽ trống rỗng. Còn nếu các bệnh viện nhận thuốc thì cũng chỉ là những loại thuốc chất lượng thấp.

Như vậy, người chịu thiệt hại trong việc đấu thầu này chính là bệnh nhân đến khám và điều trị ở các bệnh viện sẽ không mua được thuốc, hoặc mua thuốc chất lượng thấp với giá cao, nhất là những bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ chịu một thiệt hại lớn.

Không lẽ chỉ vì dành “cái bánh” đấu thầu này đã đẩy bệnh nhân vào con đường thiệt hại mà vốn dĩ họ đã chịu nhiều tốn kém rất nhiều thứ trong quá trình điều trị bệnh tật của mình.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn