Năm 1999, WHO đã phối hợp với UNICEF, UNFP và WB ban hành một hướng dẫn về các nguyên tắc về thực hành tốt mua sắm thuốc (Good Pharmaceutical Procurement Practice). Mục tiêu của việc mua sắm thuốc và đấu thầu thuốc là nhằm có được thuốc theo số lượng và tương quan hiệu quả - giá cả tốt nhất, lựa chọn được nhà cung cấp thuốc chất lượng cao, bảo đảm cung ứng kịp thời và chi phí thuốc (drug cost) thấp nhất. Hướng dẫn của WHO đã đưa ra 12 nguyên tắc thực hành tốt mua thuốc trên các khía cạnh: Quản lý hiệu quả và minh bạch; lựa chọn và xác định số lượng thuốc; cơ chế lựa chọn thuốc và cạnh tranh về giá; lựa chọn nhà cung cấp và đảm bảo chất lượng thuốc.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã vận dụng hướng dẫn thực hành tốt về mua sắm thuốc của WHO để xây dựng và triển khai cơ chế đấu thầu thuốc quốc gia và đã đạt được những thành quả nhất định. Các nghiên cứu cho thấy: áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh đã góp phần giảm giá thuốc cung cấp cho hệ thống bệnh viện và bảo hiểm y tế. Nhiều quốc gia trên thế giới và 9 quốc gia vùng Carribe đã giảm được 50% giá thuốc, 30% ở Ấn Độ. Chi phí về thuốc của Jordan, Hy Lạp, Columbia, Brazil… đều giảm.
Là một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới và một hệ thống y tế khổng lồ, Trung Quốc luôn quan tâm đến vấn đề bảo đảm chi phí y tế để chăm sóc sức khỏe người dân trong đó chi phí thuốc điều trị chiếm một vị trí đặc biêt.
Trong hai thập kỷ (1990-2009) chi phí về thuốc ở Trung Quốc đã tăng 17 lần với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 15,2%. Đến năm 2012, chi phí về thuốc chiếm 40% chi phí y tế, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với tỷ lệ 17% ở các nước thuộc khối OECD.
Năm 2009, Chính sách bao phủ chăm sóc y tế toàn dân (UHC: Universal Health Coverage) của Trung Quốc đã công bố các cải cách cơ bản để người dân có thể tiếp cận các chăm sóc y tế và thuốc thiết yếu. Chi phí về thuốc đã tăng từ 754,38 tỷ nhân dân tệ (110,4 tỷ USD) vào năm 2009 lên đến 1.824 tỷ nhân dân tệ (268,76 tỷ USD) vào năm 2017, chiếm 34,42% tổng chi phí y tế. Nhưng Chính phủ Trung Quốc cho rằng những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Trong lĩnh vực cung ứng thuốc cho hệ thống bệnh viện công và bảo hiểm y tế Trung Quốc áp dụng các cơ chế sau đây:
Ngày 28 tháng 1 năm 2021, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Thông tư về mua sắm thuốc tập trung (CDP: Centralized Drug Procurement) để đảm bảo lựa chọn thuốc hợp lý, chất lượng cao, cung ứng đủ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trước khi Trung Quốc áp dụng chương trình mua sắm thuốc tập trung CDP, các bệnh viện ở Trung Quốc tự tổ chức và quyết định việc mua thuốc của mình. Các nhà sản xuất dược phẩm tự định giá sản phẩm ở tuyến tỉnh. Mỗi bệnh viện quyết định các thuốc cần mua và bán lại cho bệnh nhân cùng mức giá. Giá các loại thuốc đều cao mặc dù có sự cạnh tranh của thuốc generic. Các nhãn thuốc được người tiêu dùng ưa thích và được bảo hiểm y tế thanh toán được các bệnh viện lựa chọn dù có giá cao hơn. Ngoài ra chi phí cung ứng và chi phí bán lẻ cũng góp phần làm giá thuốc cao. Năm 2000, Trung Quốc bắt đầu thí điểm chương trình mua thuốc tập trung ở 4 tỉnh. Năm 2008, Trung Quốc có 15.650 bệnh viện công, chiếm 79% tổng số bệnh viện trong trong toàn quốc. Năm 2009 tất cả các bệnh viện công toàn quốc áp dụng CDP. Như vậy CDP được áp dụng cho hầu hết các bệnh viện lớn và trung bình ở Trung Quốc.
Các bệnh viên phải mua tất cả các thuốc sử dụng trong bệnh viện theo các quy định của CDP, trừ thuốc gây mê, thuốc tâm thần, thuốc phóng xạ và một số thuốc cổ truyền. Mỗi tỉnh phải xây dựng danh mục thuốc đấu thầu của tỉnh. Mỗi bệnh viện phải dự trù số lượng thuốc cần mua qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Từ năm 2018, Chính phủ Trung Quốc quyết định bắt đầu chương trình thí điểm “Mua thuốc với số lượng lớn” (VoBP) nhằm khuyến khích sử dụng thuốc generic và cạnh tranh giảm giá thuốc, coi đó là một trong những chính sách quan trọng trong chương trình cải cách y tế.
Năm 2019, giai đoạn đầu tiên của “Chương trình quốc gia mua thuốc tập trung (NCDP: National Centralized Drug Procurement) được thí điểm tại 4 tỉnh và 7 thành phố (gọi tắt là “Chương trình 4+7”) và áp dụng đối với một danh sách gồm 25 thuốc có số lượng sử dụng nhiều nhất. Sau đó chương trình mua thuốc theo số lượng lớn được triển khai cả ở cấp địa phương (tỉnh, thành phố) và cả ở cấp độ quốc gia. Đến tháng 6 năm 2021, đợt thí điểm thứ 5 cấp quốc gia đã mở rộng danh mục thêm 61 loại thuốc
Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết “Chương trình mua sắm thuốc tập trung” sẽ được tiếp tục triển khai trong những năm sắp tới. Mặt khác Chương trình quốc gia mua thuốc dựa trên số lượng (VoBP: volume – based procurement) sẽ triển khai trên toàn quốc với một danh mục gồm 250 thuốc có giá trị mua sắm trên toàn quốc lớn nhất trong năm 2021 và chiếm tỷ lệ 80% các thuốc hàng đầu được sử dụng trên toàn quốc trong danh mục 500 thuốc năm 2021. Tổng giá trị 500 thuốc này được đánh giá khoảng 1.100 tỷ nhân dân tệ.
Bên cạnh việc giảm chi tiêu về thuốc trong tổng chi tiêu về y tế, chương trình quốc gia mua thuốc dựa trên số lượng (VoBP) còn nhắm đến mục tiêu đẩy mạnh sử dụng thuốc generic trong hệ thống bệnh viện và thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp dược Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu mới công bố gần đây về Chương trình VoBP ở thành phố Thiên Tân, Lei Chen và cộng sự [**] đã đưa ra các nhận xét sau đây:
1. Sau khi triển khai chính sách VoBP các thuốc trúng thầu đã thay thế phần lớn các thuốc không trúng thầu trước đây đã được sử dụng ở các bệnh viện, cho thấy kết quả tác động trực tiếp của chính sách. Các thuốc trúng thầu tăng về số lượng sử dụng và do đó góp phần giảm chi phí về thuốc là yếu tố tích cực trong kiểm soát giá thuốc.
2. Giá của tất cả các nhóm thuốc đều giảm là một yếu tố tích cực trong việc kiểm soát giá thuốc. Số lượng sử dụng các thuốc không trúng thầu và biệt dược giảm nhiều góp phần kiểm soát được giá thuốc.
3. Việc sử dụng không hợp lý các thuốc không trúng thầu và biệt dược làm tăng chi phí về thuốc và vì vậy cần có cơ chế về việc sử dụng thuốc hợp lý trong bệnh viện.
Bình luận của bạn