Dưới đây là một số vấn đề có thể gặp phải và cách xử trí:
* Hễ ăn thứ lạ vào là tôi dễ bị sôi bụng. Tôi đang ở miền Nam, dự định Tết sẽ về quê ở miền Bắc. Tôi nên mang theo thuốc gì để phòng khi sình bụng?
- Túi thuốc cần mang khi đi về quê của bạn cần có men vi sinh, thuốc than và một số loại kháng sinh đường ruột Đông y dược, như Berberin. Nếu hay bị khó tiêu thì mang thêm thuốc chứa men tiêu hóa như Pantyrase, Neopeptine. Túi thuốc du lịch cần mang thêm thuốc hạ sốt giảm đau Paracetamol, thuốc cảm sốt, sổ mũi, chống dị ứng, băng keo cá nhân, bông băng với dung dịch Betadine sát trùng...
* Con tôi còn rất nhỏ (gần 2 tuổi), tôi nên mang theo những gì để đảm bảo sức khỏe cũng như dinh dưỡng cho cháu du lịch?
- Bé trên 2 tuổi mới có thể ăn cơm cùng với ba mẹ, còn dưới 2 tuổi thì nên cho ăn cháo (vì bé chưa đủ răng nhai cơm, sợ khó tiêu hóa). Có thể mua cháo gói ăn liền để sử dụng (chế với nước sôi cho nở), chất đạm thì mua đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, pate hộp, xúc xích cây; rau thì có các loại đậu hấp sẵn trong hộp hoặc cho ăn trái cây thêm, dầu ăn thì dễ dàng mang theo một chai dầu tinh luyện (dầu mè hay dầu nành, gấc, oliu...).Những loại đồ hộp này chỉ dùng khi di chuyển không thể dùng bếp nấu nướng. Cũng có thể mua cháo nấu sẵn để ăn tạm một hai bữa. Còn khi đã ở nhà thì cố gắng cho bé ăn các loại thức ăn tươi (thịt cá tươi, rau tươi). Cố gắng giữ an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt chuyến đi.
Điều hiển nhiên là khi đi du lịch thì không thể nào thuận tiện và chu đáo như khi ở nhà, nhưng trẻ vẫn cần được cung cấp những bữa ăn đủ lượng, đủ chất đáp ứng với mức vận động nhiều hơn hẳn ngày thường và nhất phải an toàn cho sức khỏe. Những hộp sữa tươi, sữa nước uống liền là thực phẩm tiện dụng và hữu ích đầu tiên không thể thiếu trong hành lý của trẻ em.Nếu trẻ nhỏ uống sữa bột thì phải chú ý mang hộp sữa, bình sữa hoặc ly muỗng, bình thủy nước sôi thì có thể chuẩn bị từ nhà hoặc yêu cầu cung cấp nước sôi tại nhà nghỉ, khách sạn. Chú ý cần tiệt trùng bình sữa, ly muỗng và pha sữa đúng kỹ thuật.
Giò lụa, lạp xưởng chiên, bánh chưng, bánh giò, xôi nếp, gà chiên... có thể dùng trong 1-2 ngày; các loại xúc xích, patê hộp, thịt hộp, phomai, sữa hộp, mì tôm, cháo ăn liền, phở gói, bánh qui.. có thể bảo quản lâu hơn. Các loại trái cây và khoai củ, dưa leo, cà chua, củ sắn... cũng nên mang theo.Thiếu rau xanh thì có thể thay bằng trái cây, để đảm bảo bữa ăn tươi, cung cấp nhiều vitamin và chất xơ hơn. Khi mua đồ hộp hay sản phẩm ăn liền đóng gói sẵn, cần lưu ý đọc nhãn hiệu bao bì (về nơi sản xuất, thành phần nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản), chọn hàng mới sản xuất và còn hạn sử dụng, cách bảo quản ở nơi bày bán (bày nơi khô ráo, thoáng mát, không bị chiếu nắng mặt trời).
Khi mở bao bì hoặc ăn vào nếu thấy thực phẩm bị đổi màu, mùi vị thì không sử dụng. Đối với các thức ăn hàng quán cũng cần có sự cảnh giác. Thức ăn và bàn ăn nên kê cao hơn mặt đất tối thiểu 60cm, tủ chứa thức ăn và chén bát đũa phải sạch, ít ruồi, ít rác, chậu nước rửa chén sạch, bảo quản thực phẩm tốt, chọn thức ăn có ít màu sắc hoặc màu tự nhiên càng tốt.
* Tôi bị bệnh túi mật, cao huyết áp... bác sĩ khuyên nên kiêng chất béo, dầu mỡ. Vì sao vậy, trong khi những món ăn này có nhiều trong ngày Tết?
- Mật là chất do gan tiết ra, chứa sẵn ở túi mật, để khi ăn thực phẩm giàu chất béo thì mật sẽ được đẩy vào ruột để nhũ tương chất béo đã ăn và đưa vào cơ thể (mật giúp hấp thu chất béo). Nếu túi mật có vấn đề, việc ăn nhiều béo như dầu mỡ sẽ làm tăng hoạt động của túi mật (bắt túi mật co bóp nhiều) thì sẽ gặp nhiều khó khăn cả trong việc hấp thu chất béo.
Cao huyết áp thường do xơ vữa động mạch do lắng đọng cholesterol trong lòng mạch máu, mà cholesterol thì có nhiều trong mỡ động vật, da, đồ lòng, nội tạng động vật, óc heo... Vì vậy cần hạn chế các thức ăn nhiều cholesterol kể trên, nhưng không nhất thiết phải kiêng dầu thực vật (trừ dầu dừa, dầu cọ không nên dùng thường xuyên vì cũng gây tăng cholesterol).
Vì vậy khi có vấn đề về gan mật, mỡ máu, kể cả bệnh tim mạch, đái tháo đường... nên hạn chế ăn mỡ động vật, và nên thay bằng dầu thực vật và chỉ ăn với số lượng vừa phải. Bạn hãy chọn ăn thịt nạc bỏ mỡ bỏ da, ăn nhiều rau xanh và trái cây để tăng chất xơ giúp quét bớt cholesterol thừa ra khỏi đường ruột.
* Bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì ăn Tết thế nào cho ngon miệng mà vẫn khỏe?- Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường thì dù ăn Tết hay ăn tiệc cũng phải chừng mực lượng đường bột theo yêu cầu của bác sĩ điều trị. Nếu ăn bánh chưng, bánh tét, mứt, trái cây... thì phải giảm ăn cơm trong bữa đó. Ăn đủ đạm nhưng nhớ kiêng mỡ, da, đồ lòng, nội tạng, óc heo... Rau cần ăn mỗi bữa 1 chén đầy (khoảng 100g, không tính nước), trái cây ít ngọt mỗi ngày ăn 2 loại sang - chiều (khoảng 200g trái cây một ngày). Ngoài kiêng mỡ động vật, người bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp cũng phải giảm muối, mắm, cá khô, chả lụa, xúc xích, đồ hộp...
Để chuyến du lịch thật đầy đủ và vui vẻ, ngoài việc chơi phải lo cả việc ăn uống an toàn, để có sức khỏe tốt vui Tết và sau Tết vẫn còn khỏe để tiếp tục công việc lao động mưu sinh.
Bình luận của bạn