Dịch đau mắt đỏ lan nhanh tại TP. HCM

Hơn 1.000 ca/tuần

10h00 ngày 6/9, năm bệnh nhân chờ khám tại phòng khám số 8 Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM đều bị đau mắt đỏ. Chị Nguyễn Thị Mỹ D. (30 tuổi, ngụ Q.12) bị đau mắt đỏ hơn một tuần, hai mắt sưng húp. “Con gái nhỏ của tôi bị đau mắt. Tôi đã nhỏ nước muối sinh lý cho con và bé hết bệnh. Sau đó, tôi và con gái lớn bị đau mắt”. Anh Th., ngụ Q.7 kể: “Cả gia đình tôi đều bị đau mắt đỏ. Tôi bị đầu tiên, sau đó vợ và con gái bảy tháng tuổi nhiễm bệnh”.

Trong tuần đầu tháng Chín, số bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ tại BV Mắt TP.HCM là 1.100 người, tương đương với số bệnh nhân đến khám trong tháng Tám (1.123 người) và gần gấp rưỡi tháng Sáu (727 người). Dù bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh, nhưng tại khu vực nhận bệnh ở BV Mắt, chỉ có một số bệnh nhân đeo kính đen và hầu hết đều không mang khẩu trang. Nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ chen chúc với bệnh nhân khác để đóng tiền hoặc ngồi sát với bệnh nhân khác trò chuyện. Một nhân viên nhận sổ khám bệnh cho biết: “BV không có quy định khám riêng bệnh mắt đỏ với các bệnh khác. Hơn nữa, có rất nhiều nguyên nhân khiến mắt bị đỏ nên không thể sàng lọc được bệnh nhân nào bị đau mắt đỏ”.

Cả gia đình bé Gia H. đều mắc bệnh đau mắt đỏ

Bệnh dễ lây lan

Bác sĩ (BS) Võ Thị Chinh Nga, BV Mắt TP.HCM cho biết, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi-rút; đặc biệt trong những đợt tạo thành dịch thì nguyên nhân chính là adenovirus. Adenovirus có hai thể: thể do adenovirus type 3 và 7 gây ra khiến bệnh nhân mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng và có thể nổi hạch trước tai. Bệnh nhân bị sưng đỏ mi mắt, cảm giác cộm, rát, xốn mắt, kết mạc sung huyết, phù mọng và đỏ. Thể thứ hai là do adenovirus type 8 và 9 gây ra, dù bệnh nhẹ hơn, nhưng có đến 70 - 80% gây viêm giác mạc. Thường khoảng bảy ngày sau khi khởi bệnh thì giác mạc có những chấm viêm lan tỏa. Thường thì các chấm viêm này nông và có thể khỏi sau hai tuần điều trị. Nếu không được điều trị đúng sẽ viêm nặng hơn và gây biến chứng làm giảm thị lực. Ở trẻ em, ngoài triệu chứng ở mắt có thể kèm sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy…

Bệnh thường lây lan qua tiếp xúc với các chất tiết từ mắt, mũi, họng của bệnh nhân như: nước mắt, ghèn, nước mũi hoặc các hạt nước li ti khi bệnh nhân ho, hắt xì, nói chuyện… Bệnh có thể lây gián tiếp do dùng chung khăn, cùng sử dụng chai thuốc nhỏ mắt, nước hồ bơi chứa vi-rút gây bệnh hoặc lây qua các vật dụng như: tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vòi rửa tay nơi công cộng. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 4 - 10 ngày. Tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà biểu hiện lâm sàng nặng hay nhẹ.

BS Diệp Hữu Thắng, Trưởng khoa Giác mạc, BV Mắt TP.HCM khuyến cáo: dịch đau mắt đỏ do adenovirus thường lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Vì vậy, cần lưu ý việc phòng lây lan như: không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn mặt, ly uống nước, thuốc nhỏ mắt), luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nhỏ thuốc vào mắt hay sau khi dụi mắt, mũi… Khi có người nhà bị đau mắt đỏ, có thể phòng ngừa bằng cách nhỏ rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý. Người chưa mắc bệnh không cần nhỏ kháng sinh vì có thể làm cơ thể kháng thuốc. Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải do bác sĩ chỉ định.

Các BS khuyên, người nhà không nên tự pha loãng nước muối để rửa mắt, vì nếu nồng độ nước muối không phù hợp, có thể gây bỏng rát. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định BS. Dù cả gia đình đều bị mắt đỏ nhưng cũng không được dùng thuốc nhỏmắt chung. Người bị đau mắt đỏ nếu không bị bội nhiễm vi trùng thì bệnh sẽ tự khỏi sau 7 - 14 ngày. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Bệnh nhân không được tự dùng thuốc nhỏ mắt, nhất là các thuốc chứa corticoid.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn