Dịch viêm não Nhật Bản “tăng tốc”

Cần có những cảnh báo kịp thời

Trong các tuần gần đây, số ca mắc viêm não nhập viện đã bắt đầu nhích lên so với thời điểm trước đó. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, trong vòng hai tháng qua, tại đây có hơn 20 bệnh nhi mắc viêm não nhập viện. Số nhập viện tăng lên trong vòng 3 tuần gần đây, trong đó có nhiều ca VNNB. Các bệnh nhân sống chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hòa Bình, Quảng Ninh... Bệnh nhân mắc viêm não, VNNB ghi nhận rải rác trong năm nhưng thường tăng cao vào các dịp hè, đặc biệt là các tháng 6 và 7.

Chăm sóc bệnh nhân viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Chăm sóc bệnh nhân viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Tương tự, tại BV Nhi trung ương cũng đã tiếp nhận 130 ca viêm não, không tăng so với các năm trước nhưng số ca VNNB B lại tăng cao. Nếu như năm 2013, số ca mắc VNNB B tại BV chỉ chiếm 8% thì trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 30%. Đáng lưu ý, trong 36 ca VNNB B ghi nhận tại BV Nhi trung ương đã có 2 trường hợp tử vong. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương cảnh báo, dù hiện tại dịch bệnh chưa có diễn biến bất thường, số bệnh nhân nhập viện không ồ ạt như dịch sởi trước đó nhưng cũng cần phải đưa ra những cảnh báo sớm khi số ca mắc VNNB B bắt đầu có dấu hiệu tăng cao như hiện nay. Để chủ động trong công tác điều trị, theo TS Trần Minh Điển, BV đã chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc, thuốc và các trang thiết bị y tế. Riêng tại Khoa Truyền nhiễm đã tăng cường thêm 8 điều dưỡng giỏi, 2 bác sĩ trực và bác sĩ nội trú để phục vụ người bệnh.

Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi vừa qua, để kịp thời, chủ động đối phó với bệnh VNNB, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, đối với các BV, đặc biệt là BV Nhi trung ương, cần tổ chức chăm sóc điều trị tốt cho các bệnh nhân, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh. Thêm vào đó, BV Nhi trung ương sẽ làm đầu mối tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não, VNNB và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các BV tuyến huyện, tỉnh. Bộ Y tế cũng đề nghị các BV thực hiện đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não, VNNB theo đúng phân tuyến điều trị, hạn chế người bệnh nhẹ chuyển lên tuyến trên gây ra tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo.

Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề phải kể đến VNNB với thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày. Khoảng thời gian từ 1 đến 6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh. Bệnh VNNB nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong và di chứng cao như: Bại não, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...

Theo các chuyên gia y tế, trước khi có tiêm chủng, tỷ lệ trẻ mắc VNNB khá cao. Từ khi có vắc xin phòng VNNB, tỷ lệ trẻ bị viêm não đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, do lo ngại tai biến nên hiện nay nhiều phụ huynh không cho con đi tiêm phòng. Tại các BV, nhiều bệnh nhi mắc viêm não, VNNB đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, tại thời điểm này nguy cơ mắc bệnh là rất cao, bởi mùa hè là những tháng cao điểm của bệnh viêm não nói chung và VNNB nói riêng khi những loại côn trùng trung gian truyền bệnh như muỗi phát triển nhiều.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế đang đôn đốc các địa phương triển khai tiêm và tiêm vét vắc xin VNNB. Nếu như năm 2013, có 3 tỉnh không tiêm vắc xin VNNB theo chương trình tiêm chủng mở rộng thì năm nay, chương trình đã được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, để phòng bệnh VNNB, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, tại các gia đình cần tập trung dọn dẹp vệ sinh thường xuyên để tiêu diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu để ngăn bệnh lây truyền.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin