Liên quan đến việc 4 tấn cá tầm (ước tính trị giá khoảng 700 triệu đồng) bị UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn bắt giữ, tiêu hủy vào ngày 1/7, đại diện chủ lô hàng làm đơn khiếu nại khiến dư luận xôn xao, Công an tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc điều tra sự việc.
Đến nay đã hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng để có hướng xử lý.
Trao đổi với PV vào sáng 10/9, ông Triệu Văn Hải - Chánh văn phòng Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận sự việc điều tra và đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an đang hoàn thiện kết luận sự việc.
Trước đó, ngày 27/6, Đội QLTT số 11 Tràng Định đã bắt giữ một xe tải chở 4 tấn cá tầm của ông Nguyễn Văn Nghiêm. Theo phía lực lượng QLTT, do chủ hàng không xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết, đến ngày 1/7, UBND huyện Tràng Định đã họp các cơ quan liên quan và quyết định tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên.
Ngày 9/7, sau khi lô cá tầm này bị tiêu hủy, phía chủ hàng đã cử đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình lên Lạng Sơn gửi đơn khiếu nại Đội QLTT số 11 về việc tiêu hủy 4 tấn cá tầm mà không thông báo cho chủ lô hàng biết. Ông Nghiêm cũng yêu cầu Chi cục QLTT Lạng Sơn phải bồi thường số cá tầm đã bị tiêu hủy.
Đại diện cho chủ lô hàng Nguyễn Văn Nghiêm, ông Phạm Văn Long đã có buổi làm việc với Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn. Ông Long cho biết: "Lô hàng 4 tấn cá tầm của chúng tôi còn đang trong tiến trình giải quyết bởi chúng tôi đã xuất trình tất cả những giấy tờ xác định nguồn gốc số cá này tới Đội QLTT số 11 Tràng Định. Thế nhưng, trong lúc đang đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì chúng tôi tá hỏa biết toàn bộ số cá tầm của chúng tôi đã bị UBND huyện Tràng Định và lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn tiêu hủy mất".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả chính giấy tờ xác nhận nguồn gốc lô cá tầm bị bắt giữ cũng có nhiều điểm bất thường. Tấm giấy thông hành của lô cá này được xác định nguồn gốc bởi UBND xã Long Sơn do ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn ký tên và đóng dấu chứng thực. Tuy nhiên, nội dung chứng thực trong đó có số liệu 80 triệu con cá tầm thương phẩm được nuôi tại hồ Khe Chảo của ông Bùi Thanh Vân là người bán cá tầm cho ông Nghiêm. Số liệu 80 triệu con cá tầm được nuôi tại xã Long Sơn là con số “trên trời".
Theo quy định của pháp luật để giải quyết sự việc đang gây tranh cãi này, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Đối với lô hàng 4 tấn cá tầm bị tiêu huỷ, trong trường hợp chủ hàng có giấy tờ, nguồn gốc hợp pháp, đúng quy định thì ngay sau khi kiểm tra xong nếu không có dấu hiệu vi phạm, đủ điều kiện theo quy định thì Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn và UBND huyện Tràng Định phải cho chủ hàng vận chuyển ngay vì đây là hàng hoá tươi sống cần phải được bảo quản trong môi trường phù hợp, trong trường hợp để kéo dài dẫn đến thiệt hại.
Còn trường hợp, lô cá đã bị tiêu huỷ, chủ hàng chứng minh thiệt hại do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước thì chủ hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi đó, cơ quan chức năng phải căn cứ áp dụng luật bồi thường Nhà Nước để xem xét chi trả cho chủ hàng, trước tiên cơ quan quản lý cán bộ thi hành công vụ phải là đơn vị có trách nhiệm ứng tiền từ ngân sách để thanh, quyết toán đối với người bị thiệt hại theo quy định của luật này.
Cụ thể cơ quan QLTT huyện Tràng Định phải là đơn vị có trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho chủ hàng nếu cơ quan, cán bộ thi hành công vụ của cơ quan này có lỗi gây ra thiệt hại.
Sau đó, theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 8 Luật Bồi thường nhà nước quy định nhiệm cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả cho người bị thiệt hại và quyết toán kinh phí bồi thường, hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Còn trong trường hợp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn có đủ căn cứ, đưa ra kết luận chính thức lô cá tầm 4 tấn là cá lậu được vận chuyển lậu qua biên giới thì cần phải xem xét trách nhiệm của chủ hàng, tuỳ mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý theo pháp luật.
Trước đó, liên quan đến việc tạm giữ lô hàng thực phẩm tươi sống gây phân huỷ, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương đã bị hàng chục chủ hàng "bắt đền", đòi bồi thường. Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ lô hàng bạch tuộc tươi sống hơn 2 tấn trị giá khoảng gần 1 tỷ đồng với lí do "không có giấy chứng nhận kiểm dịch" khiến toàn bộ số hàng bị phân hủy. Sau một thời gian tranh chấp và sự vào cuộc giải quyết của Ban giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Đại tá Cao Ngọc Lan - Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã dẫn đầu đoàn công tác đã vào làm việc với các chủ lô hàng bạch tuộc tại Công an phường Nguyễn Cư Trinh - quận 1 - TP Hồ Chí Minh. Công an Hải Dương đã thừa nhận có sơ suất và thiếu sót khi Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ kiểm tra lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc khiến số hàng này không được bảo quản đúng quy trình và đã phân hủy sau đó. Vì vậy, Công an Hải Dương đã quyết định bồi thường số tiền 650 triệu cho các chủ lô hàng. |
Bình luận của bạn