Bệnh viện đêm giao thừa nhưng các y bác sĩ vẫn hối hả như những ngày thường
15 năm đón giao thừa ở khoa cấp cứu
Tiếp chúng tôi ở phòng trực ngổn ngang giấy tờ, bác sĩ Vũ Trường Khánh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, bác sĩ trực chính tại Bệnh viện Bạch Mai đêm nay cho biết, kể cả là ngày Tết thì quân số y tá, bác sĩ trực tại bệnh viện vẫn không thay đổi.
Trong số những khoa có bệnh nhân nội trú qua Tết, khoa Tiêu hóa đông nhất với 40 người. Đa số các trường hợp nhập viện do xuất huyết tiêu hóa vì xơ gan.
Anh Ngô Đức Hùng, giảng viên Đại học Y, bác sĩ điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, người đã 15 năm trực tại bệnh viện trong đêm giao thừa cho biết đây là năm đầu tiên anh thấy lượng bệnh nhân ở trong bệnh viện đông như thế. Khoa hồi sức cấp cứu đã kín các giường bệnh, có bệnh nhân quá nặng phải nhường giường bệnh cho những người có cơ hội sống nhiều hơn.
Từ 8 giờ sáng đến 23 giờ 30 phút đêm 30 Tết có đến 15 bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới về trong tình trạng nguy kịch. Trong số này, phần lớn là người cao tuổi, mắc các bệnh về đường hô hấp.
"Chưa bao giờ lượng bệnh nhân cấp cứu trong đêm giao thừa lại đông như năm nay. Chúng tôi đã quá quen thuộc với sự chia ly sinh - tử trong phòng cấp cứu nhưng vẫn không thể cầm lòng trước sự ra đi của một con người trước giờ khắc sang năm mới", anh Hùng nói.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu (phải) trao đổi cách chữa trị cho một bệnh nhân nguy kịch đêm giao thừa cùng đồng nghiệp
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu, người suốt 5 năm qua đón giao thừa trong bệnh viện kể, ông không thể quên được giao thừa năm 2013, người nhập viện đầu tiên trong năm mới là một cụ già 103 tuổi, người đã qua đời trước khi vào bệnh viện.
"Sự sống con người là không thể đoán trước. Nhưng, chúng tôi thật lòng mong muốn ai cũng được đón một giao thừa, năm mới không đau buồn", bác sĩ Sơn tâm sự. Đó cũng là lý do khi kim giờ đồng hồ đang gần nhích đến số 12, tiếp nhận thông tin có người đang hấp hối, bác sĩ Sơn chỉ đạo hãy làm hết sức có thể để cứu bệnh nhân.
Món quà năm mới cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ là những phần quà nhỏ và những lời chúc của ban giám đốc bệnh viện lúc 0 giờ. Tất cả mọi người đều cho hay, họ ngồi đây, quên hếtcả tiếng pháo đì đùng đón năm mới, tiếng trẻ con nô nức reo vui…, chỉ tập trung vào để cứu người, vì một lòng đam mê, tận tụy.
Ước mơ đêm giao thừa
Bệnh viện Việt Đức đêm giao thừa vẫn không ngớt người nhà, bệnh nhân. Không khí hối hả làm việc của các y bác sĩ khiến cho người ta không nghĩ chuẩn bị bước sang năm mới.
Phòng thường trực luôn có bác sĩ túc trực
Bác sĩ Lê Tư Hoàng, Phó trưởng khoa Điều trị là người trực chính trong đêm nay. Đã gần 10 năm rồi, đêm giao thừa nào bác sĩ Hoàng cũng thức trắng đêm ở viện.
Suốt đêm trực không lúc nào được ngừng nghỉ, chốc chốc lại ký giấy tờ bệnh nhân nhập viện, nghe điện thoại của các nhân viên cập nhật tình hình sức khỏe của các trường hợp cấp cứu.
Trước thời khắc giao thừa chưa đầy 2 giờ đồng hồ, bác sĩ Hoàng phải thực hiện một ca mổ khẩn cấp. Bệnh nhân là cụ bà 83 tuổi bị sốc mật tình hình sức khỏe đang vô cùng nguy kịch. Bác sĩ Hoàng bảo, ca mổ này mang tính chất quyết định để đem lại sự sống cho cụ bà kia nên không thể chậm trễ một giây phút nào được.
Gần 10 năm trực đêm giao thừa ở viện có biết bao nhiêu câu chuyện cứu người cảm động mà cho đến bây giờ bác sĩ Hoàng vẫn chưa thể quên.
Cũng thời khắc này cách đây 2 năm về trước, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là một thanh niên nhập viện trong tình trạng vỡ gan do tai nạn xe máy.
Sinh viên Nguyễn Cao Mạnh đang học năm cuối trường ĐH Y thực tập tại khoa
Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức đêm giao thừa, nỗ lực hỗ trợ người bệnh
Đêm ấy, bác sĩ Hoàng cùng các bác sĩ trong ca trực đã quên cả giây phút giao thừa, thực hiện ca phẫu thuật kéo dài trong 3 giờ đồng hồ liên tục.
Nỗ lực của các bác sĩ cuối cùng đã có kết quả mong muốn. Nam thanh niên được cứu sống trong lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.
"Niềm vui duy nhất là cứu sống bệnh nhân khi họ cần mình bất kể là thời khắc nào trong năm", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Năm mới đã sang. Màn hình ti vi trong bệnh viện đã rực rỡ sắc pháo hoa. Người ta mong đợi tiền tài, công danh, sự nghiệp nhất sẽ đến trong năm. Nhưng trong những bệnh viện, có những ước mơ giản dị lắm, mong một năm chỉ nhìn thấy nụ cười - không có người bệnh…
Bình luận của bạn