Vi khuẩn làm vỡ động mạch

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị phình động mạch (Ảnh: BS cung cấp)

Người thấp dễ mắc bệnh động mạch vành

Hoại tử chân do tắc động mạch dễ nhầm với loét

Đau ngực có phải mắc bệnh động mạch vành?

Ngừa tắc động mạch vành bằng cà phê

Mới đây, Bệnh viện ĐH Y Dược (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân P.Q.V (55 tuổi, ngụ Bình Phước) vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, da niêm nhợt nhạt. Trước nhập viện 5 ngày, ông V. bị đau vùng bụng dưới và sốt lạnh run, vài ngày sau ông sờ thấy một khối u to ở vùng bụng, ngay dưới rốn, khối u đập theo nhịp mạch. Ông tự mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm, tình trạng đau bụng gia tăng, đến khi đau chịu không nổi và khối u ở bụng lớn nhanh, người nhà vội đưa ông vào viện cấp cứu.

Các bác sỹ đơn vị Phẫu thuật mạch máu của bệnh viện chẩn đoán ông V. bị vỡ phình động mạch chậu do nhiễm trùng và tiến hành mổ cấp cứu. Bác sỹ Lê Thanh Phong - Trưởng đơn vị Phẫu thuật mạch máu, cho biết qua phẫu thuật thấy vùng bụng dưới của ông V. có một khối lớn chứa máu và mủ hôi thối. Động mạch chậu chung (một động mạch lớn trong ổ bụng) bị vỡ, không còn thành mạch, máu chảy ra từ động mạch vỡ được các mô xung quanh và các quai ruột bao bọc thành một khối, xen lẫn với dịch mủ và các mô viêm hoại tử. Các động mạch lớn khác nằm kế cận cũng trong tình trạng viêm dày, xơ cứng, dính chặt vào các mô xung quanh.
Các bác sỹ cầm máu, làm sạch ổ nhiễm khuẩn và lấy một đoạn động mạch chậu trong (động mạch phụ khác trong ổ bụng của bệnh nhân) để tạo một mạch máu mới thay thế đoạn động mạch của ông V. đã bị hoại tử. Theo bác sĩ Phong, thường với các trường hợp bị vỡ phình động mạch chủ bụng - chậu sẽ được cầm máu và thay thế đoạn động mạch bị hư bằng một ống ghép mạch máu có kích thước tương xứng hoặc che kín chỗ vỡ từ bên trong lòng động mạch bằng cách đặt stent phủ. Nhưng với trường hợp như bệnh nhân V. do nhiễm khuẩn, các phương pháp trên không phù hợp vì nguy cơ nhiễm trùng ống ghép gây tử vong sau mổ. Tùy trường hợp, việc sử dụng mạch máu tự thân (của chính bệnh nhân) tương thích để ghép mạch giúp khả năng bệnh nhân được cứu sống tăng lên.
Theo bác sỹ Phong, phình động mạch nhiễm trùng thường có nguy cơ tử vong cao vì đa số được phát hiện muộn trong lúc động mạch đã vỡ. Việc điều trị trong lúc này rất khó khăn vì tình trạng viêm nhiễm làm cho việc cầm máu và tái tạo động mạch khó khăn. Có 2 nguyên nhân được cho là liên quan đến phình mạch máu do nhiễm trùng, đó là: Vi khuẩn từ các ổ nhiễm trùng khác trong cơ thể, đi vào máu hay qua các mô lân cận đến túi phình động mạch có sẵn rồi tiết ra men làm phân hủy thành động mạch và gây vỡ mạch. Thứ hai, vi khuẩn bám vào thành mạch bình thường, tiết ra men làm thành mạch yếu đi, phình to ra, đến một lúc nào đó sẽ gây vỡ. Phình động mạch nói chung, nhất là phình động mạch chủ bụng - chậu là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Động mạch phình to đến một mức độ nào đó sẽ vỡ và gây tử vong. Nguy cơ tử vong khi vỡ phình động mạch chủ bụng - chậu có thể lên đến 90% nếu không được can thiệp kịp thời.
Bệnh phình động mạch chủ bụng - chậu thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ; Qua siêu âm bụng để kiểm tra một bệnh lý khác; Hoặc bệnh nhân vô tình sờ được một khối u ở vùng bụng, đập theo nhịp mạch của cơ thể.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn