Khi cháu tôi, 8 tuổi, đi học về, kêu lên: “Alixa! Jingle Bell, please”, lập tức một giọng hát bật lên bài hát mà cháu yêu. Tôi bắt chước cháu, kêu: Alixa, Vui lòng “Đêm đông”. Nhưng không có gì phản ứng. Đơn giản Alixa-người-máy mù chữ Việt. Bài hát Việt mà tôi yêu cầu Alixa không biết. Nhưng đó là năm 2019. Bây giờ tôi chưa thử lại, nhưng có lẽ Alixa nhờ ChatGPT đã rành tiếng Việt rồi, và yêu cầu bài hát tiếng Việt của tôi chắc sẽ được đáp ứng dễ dàng.
Quan sát chính mình, tôi thấy, khi bắt đầu về hưu, cách đây một thập niên, thì nhiều mô hình công nghệ mới đã chi phối cuộc sống thường nhật, và để thích nghi, tôi phải học cách sử dụng chúng. Ví dụ: taxi công nghệ: đầu tiên là Uber, sau là Grab… Hay các công cụ tài chánh khác như “ngân hàng điện tử” (ebanking), ngân hàng di động (mobile banking), ví điện tử, thậm chí tiết kiệm online, mở tài khoản số đẹp… Sau một hồi “học” rồi “thử”, và nhiều lần sai sót, trả giá, cuối cùng bây giờ tôi cũng được tận hưởng niềm vui sử dụng một vài trong vô số công cụ A.I
Từ lâu, khái niệm trí tuệ nhân tạo đã chiếm lĩnh tâm trí của các nhà triết học, nhà công nghệ và nhà văn khoa học viễn tưởng. Hồi nhỏ, khi mới 15-16 tuổi, bên cạnh nhiều loại sách khác, tôi cũng mê đọc tiểu thuyết viễn tưởng và thỉnh thoảng vẫn gặp những nhân vật người máy A.I như “hình mẫu” của hiện thực bây giờ. Và khi đã cao tuổi, tôi vẫn mê loạt phim “Du hành giữa các vì sao” (Star Trek), bởi vì bộ phim được ghi nhận là nguồn cảm hứng cho nhiều phát minh công nghệ, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính bảng.
Kể từ khi Socrates dạy Plato và Plato dạy Aristotle, nhân loại đã biết rằng nền giáo dục tốt nhất được dạy trực tiếp - từ người thầy. Nhưng giáo dục như vậy, từ đời này qua đời khác, rất tốn kém, và khó mở rộng quy mô. Chính vì vậy mà thời cổ đại hay các thời đại trước chữ nghĩa chỉ được dành cho các tầng lớp trên của xã hội.
Còn thời đại 4.0 thì sao? Lớp học luôn quá tải, giáo viên làm việc quá sức và, thiếu nguồn lực. Hình ảnh phụ huynh phải xếp hàng từ 2-3 giờ sáng nộp đơn cho con em vào lớp 10 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 7/2023 cho thấy sự quá tải thường trực trong giáo dục.
Các nhà giáo dục tập trung thời gian ít ỏi để quan tâm đến vài học sinh cá biệt hoặc vào những em giỏi nhất hoặc dở nhất. Còn phần lớn học sinh trung bình thường bị thầy cô “bỏ lại phía sau”.
Rõ ràng, sự phát triển của giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào công cụ học tập, tức là công nghệ bây giờ. Ngày xưa khi vào trường sư phạm, thầy tôi hay dùng từ “trợ huấn cụ” (teaching-aid) khi dạy cho các thầy giáo tương lai phương pháp dạy học dựa trên dụng cụ dạy học (kể cả sách giáo khoa). Các thầy cô giáo ngày nay hoàn toàn hạnh phúc khi có một “trợ huấn cụ” mới là các mô hình A.I. Ví dụ: “A.I. người dạy kèm” - hệ thống phần mềm mà học sinh tương tác trực tuyến - hứa hẹn sẽ mang đến cho mỗi học sinh sự chú ý đến từng cá nhân, có khả năng cải tiến nền giáo dục như chúng ta biết. Hoặc nóng nhất là mô hình ngôn ngữ lớn ChatGPT đang được phổ biến rộng nhờ tiện dụng cho người dùng và nhất là được dùng miễn phí. Tất nhiên, các thầy cô và phụ huynh sẽ lo rằng: liệu con trẻ có dùng ChatGPT để viết bài luận văn hay không? Tại sao không, khi mà bất cứ ai truy cập internet đều có thể sử dụng công cụ này để viết. Vấn đề là hiện nay đã có một công cụ khác phân biệt đâu là “tác phẩm” thực và đâu là “tác phẩm” do máy viết. Các thầy cô giáo phải “tu nghiệp” để biết cả hai và rất nhiều công cụ A.I khác đang “chờ” phục vụ thế giới thực của con người.
Con người tinh khôn đang “dạy” trí thông minh của mình cho máy. Máy học, thì không vì bất cứ lý do nào, mà chúng ta cấm con em chúng ta - học sinh, sinh viên, nói chung là các thế hệ tuổi trẻ, học bằng máy. Thực ra, nỗi sợ hãi về trí tuệ nhân tạo (A.I) đã ám ảnh nhân loại ngay từ những ngày đầu của thời đại máy tính. Cho đến nay, những nỗi sợ hãi này tập trung vào máy móc sử dụng các phương tiện vật lý để giết người, hoặc bắt người làm nô lệ hoặc thay thế con người.
Trong khi đó, Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, nói rằng các chatbot trí tuệ nhân tạo có thể “dạy trẻ em đọc trong 18 tháng thay vì nhiều năm”. Thế hệ trẻ đang trưởng thành dựa trên các công cụ kỹ thuật số và các chuyên gia cho rằng việc các lớp học áp dụng tối đa các công cụ A.I chỉ còn là vấn đề thời gian.
A.I cũng có thể giúp giáo viên tận dụng kiến thức và nội dung hiện có để họ có thể tái sử dụng chúng và giảm đáng kể khối lượng công việc.
Ngoài ra, một giáo viên có thể đưa ra sự trợ giúp tập trung, hiệu quả cho những học sinh cá biệt, bởi vì A.I sẽ có thể cho các giáo viên biết những lĩnh vực hoặc vấn đề mà học sinh cần trợ giúp nhất.
Vào tháng 1/2023, một giáo viên tiếng Anh kỳ cựu tên là Cherie Shields đã viết một bài báo trên tờ Education Week về cách cô ấy sử dụng ChatGPT trong lớp học của mình. Nó đã giúp học sinh mọi thứ, từ việc viết một bài luận, đến vẽ một biểu đồ và thậm chí cho nhận xét về bài làm ngay lập tức.
“Các giáo viên sẽ phải nắm lấy công nghệ A.I như một công cụ khác mà học sinh có quyền truy cập”, cô viết. “Giống như chúng tôi đã từng dạy học sinh cách thực hiện tìm kiếm Google phù hợp, giáo viên nên thiết kế các bài học rõ ràng về cách bot ChatGPT có thể hỗ trợ viết luận. Thừa nhận sự tồn tại của A.I và giúp học sinh làm việc với nó có thể cách mạng hóa cách chúng ta giảng dạy”. Không phải mọi giáo viên đều có thời gian để tìm hiểu và sử dụng một công cụ mới, nhưng các nhà giáo dục như Cherie Shields đưa ra lập luận xác đáng rằng những người làm như vậy sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Nó làm tôi nhớ đến thời điểm máy tính điện tử trở nên phổ biến vào những năm 1970. Khi ấy, rất nhiều giáo viên dạy toán lo lắng rằng học sinh sẽ ngừng học cách làm các phép tính cơ bản, nhưng một số giáo viên khác lại đón nhận công nghệ mới và tập trung dạy cho học sinh các kỹ năng tư duy đằng sau phép tính số học.
Trí tuệ nhân tạo đang bắt đầu đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong lớp học, như chấm điểm, và đang tối ưu hóa các lớp học cũng như cách mạng hóa việc chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học.
Khi còn học trung học, các giờ học toán, nhất là đại số và hình học không gian, là những giờ dài vô tận với tôi. Thật ra tôi chỉ cần bài thi môn toán 2 điểm (bây giờ gọi là điểm liệt) là có thể đậu tú tài (tốt nghiệp trung học phổ thông), để vào đại học.... Còn bây giờ, khi đã về hưu, tôi lại thích đọc các sách về thuật toán và máy học! Vì nó quá thiết thực với cuộc sống, của chính tôi!…
Câu trả lời là: từ các nhà trường sư phạm. Trường đào tạo giáo viên mẫu giáo, tiểu học và trung học. Còn các giáo sư đại học thì chắc chắn họ đủ trình độ để tự đào tạo lại mình rồi.
Trong cuốn sách mới nhất về A.I trong giáo dục này, các tác giả cho rằng các công cụ A.I chỉ hỗ trợ giáo viên, chứ không thể thay thế giáo viên. Cuốn sách này cũng nhắc lại “Bản Đồng thuận Bắc Kinh về A.I trong giáo dục” xuất bản năm 2019, sau một hội nghị toàn cầu về giáo dục và A.I. Theo đó, “Đồng thuận Bắc Kinh” khuyến nghị các Chính phủ cho phép sử dụng công nghệ A.I vào giáo dục, càng sớm càng tốt. Tất nhiên bản đồng thuận cũng kèm theo những cảnh báo về nguy hiểm của A.I “vô chính phủ”.
Thật ra, A.I đã được đưa vào giáo dục vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi hầu hết các hệ thống giảng dạy trên máy tính đều dẫn dắt học sinh đi qua một lộ trình học tập được lập trình sẵn, được xác định bởi thành tích của học sinh - nếu trả lời đúng câu hỏi, họ sẽ được đưa về một hướng và nếu họ trả lời sai câu hỏi, họ sẽ bị loại. Hệ thống có thể trông giống như đang thích nghi với học sinh, nhưng thực ra nó chỉ đang dẫn dắt học sinh đi theo một con đường định sẵn. Vẫn còn nhiều ứng dụng biến đổi đang được phát triển, có thể cách mạng hóa giáo dục hoàn toàn.
Vì vậy, thế giới vẫn sẽ cần trường học, lớp học và giáo viên để khuyến khích học sinh và dạy các kỹ năng xã hội, tinh thần đồng đội và các môn học nhẹ nhàng như nghệ thuật, âm nhạc và thể thao. Một số người cho rằng thách thức đối với việc học tập có sự hỗ trợ của A.I không phải là công nghệ, mà là các rào cản quan liêu nhằm bảo vệ hiện trạng.
Hiện nay tại Việt Nam, các nhà khoa học trẻ cũng đã “đào tạo” được ít nhất 2 mô hình người máy có thể sử dụng như “trợ huấn cụ” trong nhà trường. Người máy A.I có tên Trí Nhân được giới thiệu tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt Nam vào tháng 11/2022, cho thấy khả năng giúp các thầy cô “nhẹ gánh” hơn trong công việc dạy học- mà tại miền Nam Việt Nam trước 1975 - được mô tả là “nghề bán cháo phổi”. Công cụ A.I Trí Nhân có thể đứng lớp thay thầy cô, nhưng không phải tất cả thời gian. Trong khi đó vào tháng 6/2023 nhóm các kỹ sư trẻ chế tạo và “dạy” mô hình Anan (lấy cảm hứng từ người thầy vĩ đại Chu Văn An của lịch sử Việt Nam) theo ChatGPT, có thể giúp dạy và học theo trình độ, cá tính, phẩm chất của từng học sinh. Tuy vậy, mặc dù được dạy ngôn ngữ lớn ChatGPT. Anan hiện nay chỉ biết nói tiếng Việt. Tôi muốn nêu hai ví dụ này để củng cố niềm tin rằng nhà trường Việt Nam, từ tiểu học đến đại học, sớm muộn gì cũng sẽ sử dụng A.I để đào tạo lớp người mới thông minh hơn máy và “nhân văn” hơn cả “con người”.
Tình cờ tôi đang xem một bộ phim Hàn Quốc có tựa tiếng Anh: “Crash course in Romance”, nói về một “thầy giáo tên Choi Chi Yeol (do nam tài tử Jung Kyung-ho đóng) - ngôi sao dạy kèm”, một tỉ phú. Muốn được học thầy, không chỉ tốn tiền mà còn phải tạo quan hệ. Nói chung là việc học thêm quá quan trọng đến mức nhiều phụ huynh đã trở nên xấu xa dưới mắt con cái và hèn kém dưới mắt các thầy giáo ngôi sao. Tôi nghĩ bộ phim quá cường điệu khi dựng hình tượng người thầy dạy kèm như các ngôi sao điện ảnh lớn trên các quảng cáo ngoài phố. Nhưng sự thật là: dạy kèm là một dịch vụ tư nhân hái tiền tỉ trong nền giáo dục khắc nghiệt ở Hàn Quốc bây giờ.
Nếu có công cụ A.I cỡ như Trí Nhân hay Anan của Việt Nam thì liệu ông thầy toán ngôi sao này có còn chỗ đứng không?- Chắc chắn là không, cho dù, A.I không biết nhảy hay đá để thu hút học trò, nhưng nếu được “dạy” nó có thể làm nhiều trò thu hút hay hơn! Không người nào biết được.
Vào thời điểm tôi viết bài này, thì trên truyền thông tràn ngập tin về kỳ thi tốt nghiệp trung học 2022-2023 tại khắp đất nước Việt Nam. Tin tốt là kỳ thi đã suôn sẻ. Nhưng tin xấu là tốn quá nhiều công sức cho một kỳ thi, từ phụ huynh, gia đình, nhà nước, các cơ quan công quyền như công an, tài chính, y tế… nhưng vẫn có gian lận, rò rỉ đề thi.
Câu hỏi là: những kỳ thi trong tương lai, liệu công cụ A.I có thể giúp gì? May là hầu hết các ý kiến của các nhà giáo dục trên truyền thông đều đồng tình ủng hộ việc đưa A.I vào giáo dục - càng sớm càng tốt, nghĩa là càng sớm thì ít nhất các kỳ thi sẽ bớt vất vả hơn và gian lận và bất công sẽ ít nhất có thể.
Hiện nay, hệ thống giáo dục Montessori đã dạy cho trẻ mẫu giáo và tiểu học các phương pháp tư duy A.I rồi.
Bình luận của bạn