Dùng thuốc giảm tiết acid dạ dày làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan

Dùng thuốc giảm tiết acid dạ dày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan cho bạn

Ho kéo dài có phải do trào ngược dạ dày thực quản?

4 biện pháp đơn giản ngăn ngừa trào ngược acid dạ dày

Đồ uống nào là tốt nhất cho người bị trào ngược acid?

Chế độ ăn cho người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Với tác dụng làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản - một tình trạng mà acid dạ dày di chuyển ngược lên thực quản gây ra triệu chứng ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, đau rát cổ họng cho người mắc.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học California, San Diego (La Jolla, Hoa Kỳ) đã tìm hiểu ảnh hưởng của việc ức chế dạ dày giảm tiết acid có thể tác động như thế nào tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về gan như bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (NAFLD) và viêm gan nhiễm mỡ không do cồn (NASH).

Đầu tiên, họ tiến hành biến đổi gene ở chuột hoặc cho chúng sử dụng thuốc ức chế bơm proton nhằm làm dạ dày giảm tiết acid. Sau đó, loại và số lượng các vi khuẩn sống trong ruột được tìm hiểu thông qua các mẫu phân đã thu thập.

Các nhà khoa học nhận thấy những con chuột được tiêm thuốc ức chế bơm proton đã gia tăng đáng kể số lượng vi khuẩn Enterococcus faecalis. Sự gia tăng của Enterococcus faecalis đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc phải các bệnh gan mạn tính, bao gồm bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn và viêm gan nhiễm mỡ không do cồn.

Đặc biệt, để xác nhận ảnh hưởng của thuốc ức chế bơm proton tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về gan ở người, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu phân từ những người lạm dụng rượu thường xuyên. Tổng số có 4.830 người tham gia, trong đó: 1.024 trường hợp được báo cáo đang dùng thuốc ức chế bơm proton, 745 trường hợp đã sử dụng thuốc ức chế bơm proton trước đây và 3.061 trường hợp chưa bao giờ dùng thuốc ức chế bơm proton.

Kết quả tương tự như nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học phát hiện một lượng lớn khuẩn Enterococcus trong các mẫu phân của những người tham gia. Họ nhận thấy nguy cơ mắc bệnh gan do cồn trong vòng 10 năm là 20,7% đối với những người hiện đang uống thuốc ức chế bơm proton, 16,1% đối với những người từng dùng loại thuốc này trong quá khứ. Thú vị là, những cá nhân chưa bao giờ sử dụng thuốc ức chế bơm proton có nguy cơ thấp nhất, ở mức 12,4%.

Tác giả nghiên cứu chính, TS. Bernd Schnabl cho biết: "Acid do dạ dày tiết ra giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại đi vào theo đường tiêu hóa. Việc giảm nồng độ acid dạ dày có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Enterococcus trong ruột. Chúng sau đó có thể di chuyển sang gan, làm tăng tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm một số bệnh mạn tính ở gan".

Những phát hiện của nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Nature Communications.

M. Hiếu H+ (Theo MedicalNewToday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin