Empty
Empty
Empty

Dân tộc nào tồn tại đến nay, đều có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp và, tất nhiên, cũng có nhiều nhược điểm. Người Việt Nam chúng ta không ngoại lệ.

Một trong những nhược điểm hay tật xấu dễ thấy của nhiều người chúng ta là thói quen “thiếu ý thức” nơi công cộng. “Thiếu ý thức” không chỉ là tật xấu mà là “căn bệnh mạn tính” khó chữa của cộng đồng.

Empty

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đọc (xem, nghe…) không biết cơ man nào những phê phán, góp ý công khai về tật xấu “không tôn trọng phép tắc nơi công cộng”, nhưng dường như nó không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Có lúc, chính quyền đưa ra những xử phạt hành chính hay phạt tiền (giống như ở Singapore) nhưng chỉ nói lên sự bất lực nhiều hơn tính khả thi của những chế tài đó. Làm sao bắt một người “tiểu đường” và ghi giấy phạt với số tiền phạt 100.000 đồng? Căn bệnh “đái bậy” phổ quát đến mức mà ngay người ngoại quốc đến Việt Nam cũng biết câu chuyện hài hước: “Một du khách Mỹ nói với hướng dẫn viên du lịch: “Sau khi đi thăm Ha Long Bay, tôi muốn tham quan Cam Dai Bay.” Anh hướng dẫn viên thoạt đầu nghe nhầm, tưởng là “Cua Dai Bay” đâu đó ở Hội An… Sau một hồi trao đổi, hướng dẫn viên cười té lên: “Không, đó không phải là nơi tham quan đâu. Đó bảng cấm “tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng”. Thật xấu hổ, phải không!

Trong tuần này (giữa tháng 3/2023) lại rộ lên phong trào xây nhà vệ sinh “5 sao” ở thành phố HCM và các thành phố lớn khác. Đây không phải lần đầu. Nếu xem “thiếu ý thức” là một căn bệnh thì phải tìm ra thuốc chữa, nhưng đã là “mạn tính” thì đành: “botay.com”

Empty

Nói tật xấu hay thói quen “thiếu ý thức nơi công cộng”, chỉ là mô tả những hành vi xấu (bất lịch sự, đáng xấu hổ, thô bỉ, dung tục v.v…) , mà không nói nguyên nhân sâu hơn là tính lười hay văn hóa lười của nhiều người chúng ta. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) có một loạt bài phê phán tính lười này của giới trẻ. Các phóng viên viết loạt bài này gọi là “bệnh mackeno” tức là “mặc kệ nó”.

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy các nhóm trẻ sinh hoạt nơi công cộng như công viên, bãi cỏ, sân chơi, chỗ cắm trại, và nhất là những nơi vắng người như rừng, thác, sông, suối… thì thường “quên” dọn dẹp vệ sinh khi xong buổi sinh hoạt. Có lần chứng kiến cảnh đó, tôi hỏi một bạn trẻ tại sao không dọn, thì bạn đó trả lời tỉnh bơ: “Chú đừng lo sẽ có nhân viên vệ sinh dọn” hoặc ở nơi vắng người thì câu trả lời sẽ là: “Đây không có ai mà chú”.

Empty

Nếu bạn theo dõi youtuber “Chris ở Á châu” sẽ có một đoạn clip ở đỉnh Liang Biang Đà Lạt khi bạn Chris (một youtuber người Mỹ tự nhận là yêu Việt Nam) “chỉnh” các bạn học sinh lớp 11 rằng không dọn rác khi xong buổi liên hoan ngoài trời, và clip đã ghi cảnh các bạn trẻ quay lại thu gom rác và nói lời xin lỗi trước ống kính.

Cụ Phan Châu Trinh từng phê phán nhiều tật hư của người mình, trong đó, cụ có nhấn mạnh rằng: Người mình chỉ biết khen cái hay của người khác, mà không chịu làm như người ta, ví dụ hay khen người Nhật mà có chịu làm như người Nhật đâu. Dù vậy, tôi xin phép cụ Phan, vẫn “khen” để mong người mình bây giờ làm theo, và chính cá nhân tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi, học trò tôi làm theo trước. Khi đi chơi đến nước Nhật, vào công viên ngắm hoa anh đào nở, tôi lại để ý thấy các nhóm thanh thiếu niên đi picnic trong công viên, khi tàn cuộc vào buổi chiều, họ đều dọn rác, làm vệ sinh chỗ ngồi chơi, ăn uống, trả lại “nguyên trạng”. Khi đội tuyển Nhật qua Việt Nam đá banh ở sân Mỹ Đình (11/2021), xong trận, cả đội ở lại dọn dẹp, lượm rác sân banh. Tôi cảm thấy họ đang nói lời cảm ơn nơi chốn đó.

Đó là cái “Lễ” mà trẻ em Nhật học từ nhỏ và thành một thói quen, gần như bản năng.

Empty
Empty

Ở đây, tôi không quay lại định nghĩa chữ “Lễ” vì nghĩ ai cũng có thể hiểu “Lễ” là gì, và “Lễ” bao hàm hành vi, ứng xử hơn là lý thuyết khô cứng.

Dân tộc chúng ta có truyền thống “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Đó là một trong những truyền thống tốt đẹp, bị “đứt gãy” trong một thời gian khá dài, có thể do chiến tranh, và nhiều lý do khác. Hiện nay Bộ Giáo dục chủ trương “Tiên học Lễ…” là đúng đắn, nếu không muốn nói là “trễ còn hơn không”.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, vì thiếu “Lễ”, mà nhiều người không tuân thủ 5K, khạc nhổ bừa bãi, mặc nhiên xả rác. Vào tháng 7/2021, gần nhà tôi, chính quyền lấy một khu chung cư cao trên 20 tầng, với hàng ngàn căn hộ bỏ trống lâu ngày, làm “Bệnh viện dã chiến” (tức là bệnh viện số 3, số 6 và số 8, thành phố Thủ Đức - tức là quận 2 trước đây). Những “bệnh nhân” không triệu chứng (nghĩa là còn khỏe mạnh), ở đó vẫn hò hát tối ngày, vẫn nhậu “1,2,3 dzô…dzô” không ngớt, sáng có, chiều có; vất bao ni-lông, khăn giấy, khẩu trang v.v… từ trên tầng cao, bay vung vãi qua khu dân cư của chúng tôi, thấy mà sợ! Sau đó, khu dân cư cũng có FO, không biết nguồn lây. May mà không ai tử vong.

Nếu có đầy đủ ‘Lễ”, những FO đang đi cách ly, được chữa bệnh kia, không quá thiếu trách nhiệm như vậy.

Tôi thiển nghĩ chúng ta phải còn học nhiều về “Tiên học lễ, hậu học văn”, trong “khai dân trí, chấn dân khí…” rồi mới nói đến “dân sinh”.

Văn hóa là gốc. Đó là quy luật muôn đời. “Văn” giỏi chưa chắc là người có văn hóa, hay “có học”. Một người có “Lễ” ít học vẫn được kính trọng hơn người có bằng cấp mà thiếu “Lễ”, thiếu trách nhiệm với người khác, nói năng thiếu kềm chế, và thường lập dị, muốn trở thành người dẫn dắt dư luận…

Empty

Chúng ta cũng cần phân biệt giữa “Lễ” là văn hóa đại chúng và “Lễ” trong nghiên cứu học thuật thuộc khía cạnh của “văn hóa bác học”. Một nhà nghiên cứu hay một giáo sư có thể nêu ra ý kiến phản biện về những suy nghĩ và hành vi văn hóa truyền thống, có thể cho rằng điều đó làm ngăn cản quá trình phát triển hiện đại của dân tộc, thậm chí có thể đề nghị thay thế “Tiên học lễ…”. Nhưng, đó chỉ là nghiên cứu.

Empty

Khi còn nhỏ đi học, hầu hết chúng ta khó tránh những lần tỏ ra vô lễ với thầy cô, cha mẹ hay người lớn và cả bạn bè hay người nhỏ hơn mình, nhưng khi đã trưởng thành, chín chắn, có học hơn, có lễ nghĩa hơn, chúng ta nhận ra những lỗi khi còn thơ trẻ. Người không biết nhận lỗi, không nhận ra chỗ u tối của mình, không thể là người có học, có văn hóa.

Nhà nghiên cứu và nhà báo Fareed Zakazia của đài truyền hình CNN nổi tiếng thế giới, mới đây có viết: “Khoa học luôn khám phá cái mới nhưng cuối cùng luôn nhận ra sự thất bại của mình. Đó là may mắn cho nhân loại khi giới khoa học, cuối cùng, công nhận mình vẫn ngu dốt”. Bác học lừng danh Albert Einstein từng nói: “Trên đời có hai cái vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Ông nhận ra điều đó vì nền tảng “tuyệt đối” của nhà bác học - cha đẻ thuyết tương đối phổ quát là cái “Lễ” của ông.

Empty

Trong thế kỷ 21 và nhiều thế kỷ tới, con người sẽ sống chung với người máy và trí tuệ nhân tạo, hay “người nhân bản” (cloning). Câu hỏi đặt ra: Liệu những người máy này có phải sống chung với con người thật theo “Lễ” không? Nói vòng vo, cuối cùng, phải đi đến kết luận: người máy hay tất cả các giống khác đều do con người thật làm chủ, vì vậy “Lễ” là do người thật “cài đặt” thôi! Hy vọng các nhà lập trình sẽ cái đặt các phần mềm quy tắc sống chung trong xã hội loài người vào cơ thể người máy và người nhân bản để họ đủ lễ nghĩa mà sống tự tin hơn trong cộng đồng người quá phức tạp và luôn bị đe dọa bởi tội ác và hành vi sai trái.

Khi đó, về văn hóa, con người thật chúng ta cũng học để sống trong một thế giới “hậu-sự-thật” (post-truth) như thuật ngữ mà các sử gia hiện đại sử dụng, để nói về nền văn hóa dựa trên câu chuyện và huyền thoại của loài người.

Thật ra, sự phát triển bao giờ cũng có hai lực: đẩy và kéo. Một xã hội càng phát triển nhanh và cao thì phải có những lực “bảo thủ” khác kéo lại, như một cảnh tỉnh hay phản biện. Trong xã hội, phép tắc ứng xử có hàng ngàn đời không thể đảo ngược. Đó giống như bộ rễ của các cây cổ thụ, giữ cho cây cao bao nhiêu cũng không ngã. Về chính trị, nhiều nước phát triển vẫn có các đảng Bảo Thủ để giữ cho quyền lực dung hòa cũ - mới. Tiên học lễ là vậy.

SUCKHOE+ Giu le-13

Có thể bạn nói rằng người viết bài này vì lớn tuổi nên bảo thủ. Còn tôi sẽ nói: Tôi sống đủ lâu để thấy “hệ giá trị đã được thử thách qua thời gian” không bao giờ cũ. Một cuộc sống khỏe, có chất lượng, không thể nào là một cuộc sống lộn xộn, bất tuân thủ lễ, nghĩa, lịch sự, ứng xử có văn hóa trong hành vi thường nhật.Trong kho thành ngữ Latin, có câu: “Mens sana in corpore sano” (Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện), kêu gọi mọi người rèn luyện sức khỏe thân thể để duy trì một tinh thần sáng suốt hầu có thể luôn giữ “ Lễ” , trong không gian - nơi công cộng, cũng như trong cư xử với người khác.

Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa