Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR)Quốc gia, nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp như hiện nay, chúng ta rất khó khống chế được nhiễm virus viêm gan B ở trẻ, vì thế tỷ lệ bệnh nhân mắc xơ gan và ung thư gan sẽ tăng trong thời gian tới.
So với những năm trước, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B mũi sơ sinh (24 giờ đầu sau sinh) ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp. Cụ thể, trong năm 2013, tỷ lệ này đạt 56%; năm 2012 đạt 75% và năm 2011 là 55%.
Viêm gan B là một bệnh nguy hiểm, gây sưng tấy, hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính. Hằng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%), đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.
Theo các chuyên gia y tế, với mũi tiêm trong 24 giờ sau sinh có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Qua kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm của vaccine trong chương trình TCMR vừa qua cho thấy không liên quan đến chất lượng vaccine mà chủ yếu là do sự trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Trong quá trình triển khai tiêm vaccine, trẻ cần được theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường cần phải xử lý kịp thời.
Điều này được chứng minh trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 (Quinvaxem) và các vaccine khác như sởi, bại liệt, BCG (lao) trong chương trình TCMR đạt khá cao và hy vọng sẽ đạt trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng các vaccine vào cuối năm.
Bình luận của bạn