Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã làm việc với Công ty Sumi. Tuy nhiên, các nhân viên công ty đã không cho phép đoàn công tác của Sở Y tế vào gặp. Chỉ đến khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cử cán bộ xuống tận nơi, đoàn công tác mới được phép vào để tiến hành vệ sinh, dập mầm dịch.
Khu công nghiệp Đồng Văn là nơi tập trung khoảng 20.000 lao động. Phần lớn lao động là người dân sống tại các địa phương lân cận, các xã thuộc huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý. Riêng công ty Sumi có số công nhân lên đến khoảng 7.000 người. Do tập trung đông lao động, các lao động này lại sinh sống trên địa bàn rộng nên khu công nghiệp là nơi rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên, một số công nhân Công ty Sumi, trong đó có phụ nữ mang thai, cho biết họ muốn xin nghỉ một thời gian để phòng bệnh, song không dám vì sợ bị cho thôi việc, chỉ những người có giấy xác nhận của bệnh viện mới được phép nghỉ. Các công nhân khác vẫn phải đi làm để “giữ chỗ”.
Theo Sở Y tế tỉnh Hà Nam, đối với bệnh sởi, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 331 trường hợp mắc, rải rác ở nhiều xã, phường và thị trấn. Đây là số lượng mắc cao nhất tính từ năm 1997 đến nay. Trên thực tế, con số này còn cao hơn nữa do nhiều trường hợp tự chữa ở nhà hoặc chuyển thẳng lên các bệnh viện tuyến Trung ương.
Ông Đặng Đình Thoảng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã làm việc với các ban ngành liên quan để bàn biện pháp đối phó. Trước mắt, Ủy ban Nhân dân chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với Công ty Sumi tiến hành tiêm phòng cho các công nhân có yêu cầu và phun thuốc trong công ty. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nam cũng nêu những biện pháp giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Bình luận của bạn