Hà Nội tăng viện phí: Đã tính đến người dân nông thôn?

Lần tăng giá thứ 2 chỉ sau 12 tháng

Giải thích cho việc điều chỉnh viện phí lần này, Ngành Y tế Hà Nội cho rằng các bệnh viện của Hà Nội hiện bị “thua thiệt”, nên phải tăng để ngang bằng các BV tuyến trung ương.

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay trên cùng địa bàn của Hà Nội, các bệnh viện tuyến trung ương đều đã áp dụng mức giá trần được quy định tại Thông tư 03. Trong khi đó, Hà Nội mới áp dụng mức giá từ 65-80% của Thông tư 03.


Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội

Vâỵ là để không bị "thua thiệt" với bệnh viện tuyến trung ương, HĐND thành phố đã "bấm nút" thông qua đề xuất tăng viện phí lên mức 85-100% trần giá cho phép.

Nhưng có một thực tế cần biết rằng, thành phố Hà Nội hiện nay bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh, và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình trước đây. Bên cạnh đó, Hà Nội trước khi mở rộng vẫn có các huyện ngoại thành khác là Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì (riêng huyện Từ Liêm mới đây đã được chia tách thành 2 Quận). Phần đông dân cư tại các khu vực trực thuộc kể trên (gồm cả 2 quận Nam và Bắc Tư Liêm) vẫn làm nông nghiệp và đương nhiên nguồn thu nhập chính dựa vào nông nghiệp.

Nỗi lo viện phí tăng với người nghèo?
Theo như báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, cuối năm 2013, dân số khu vực nông thôn vẫn chiếm trên 50% tổng số dân của thành phố.

Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, thu nhập trung bình của người dân nông thôn Hà Nội trong năm 2013 mới đạt 24,324 triệu đồng/người/năm, tức là chỉ cao hơn một nửa mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước.Đáng lưu ý là tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội vẫn còn ở mức khá cao, cuối năm 2013 chiếm tới 2,66% (theo báo cáo của UBND thành phố và trên 3% theo báo cáo của Sở).

Thế nên khi Hà Nội quyết tăng viện phí, sẽ tồn tại một nghịch lý là hơn một nửa dân số nông thôn với mức thu nhập cũng rất "nông thôn" của Hà Nội sẽ phải trả "viện phí cấp trung ương". Gánh nặng ấy sẽ là bao nhiêu?

Một nghịch lý nữa là khi "đòi" tăng viện phí, Sở Y tế Hà Nội đề cập đến "tình trạng, người có thẻ BHYT không lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các bệnh viện tuyến trên, càng làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương". Không biết khi đề cập đến lý do này, Sở có tính toán đến việc khi giá viện phí Hà Nội và Trung ương không còn nhiều khoảng cách, người dân sẽ "chẳng dại gì" mà không chọn bệnh viện tuyến trung ương để khám chữa bệnh? Nói cách khác, kịch bản quá tải tuyến trung ương hoàn toàn có thể xảy ra?

Một vấn đề khiến người dân bức xúc hơn cả là sau một năm điều chỉnh viện phí, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện của Hà Nội, theo đánh giá của người dân, vẫn không có nhiều sự cải tiến như lời hứa của ngành y tế Hà Nội. Từ lâu, người dân vẫn quan niệm, bệnh viện tuyến dưới không thể bằng bệnh viện tuyến trên. Phải chăng, khi mà chất lượng "tuyến dưới" không được cải thiện thì người dân đã bị "bồi thêm" gánh nặng choáng váng: "viện phí cấp trung ương"?
CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn