Hà Nội xây dựng kịch bản 3.000 F0 mỗi ngày

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: Sức khỏe+

TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ kit test nhanh COVID-19 cho các trường học

10 dấu hiệu ở lưỡi cảnh báo hàng loạt bệnh

Nhiều địa phương cập nhật kế hoạch cho học sinh đến trường

TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ kit test nhanh COVID-19 cho các trường học

Thành phố vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh

Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy họp bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 13/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành của TP chủ động ứng phó với dịch bệnh ở mức cao hơn, trong đó tập trung tối đa cho tuyến y tế cơ sở và ý thức người dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định dù số ca tăng cao, nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, TP vẫn kiểm soát được tình hình dịch.

Thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

Người dân đi chơi, mua sắm ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm tối 13/12 - Ảnh: Vnexpress

Người dân đi chơi, mua sắm ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm tối 13/12 - Ảnh: Vnexpress

Tuy nhiên, đáng lo ngại là tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch ở một số nơi vẫn diễn ra. Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày. Tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; có cơ chế huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh tiêm phòng vaccine…

Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022

Tính riêng từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, toàn thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc SAR-CoV-2. Riêng tuần từ ngày 6/12 đến ngày 12/12 đã phát sinh thêm 4.550 ca, đặc biệt ngày 12/12 lên tới gần 900 ca; ngày 13/12 tiếp tục ghi nhận 762 ca. Hiện thành phố vẫn còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.

Đặc biệt, nguy cơ tập trung đông người dễ làm lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022 sắp tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp, ngành vận động tổ chức tôn giáo nên tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn bảo đảm trang trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng để chức sắc tôn giáo, người có đạo và nhân dân cùng chia sẻ, chung tay với thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là công an có phương án bảo đảm an ninh trật tự, điều tiết phân luồng giao thông tránh tụ tập đông người trong dịp này.

Nhấn mạnh yêu cầu chủ động chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán thật vui tươi, an toàn, ấm áp, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn với người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc.

 

Tiêm vaccine trẻ em tại trường THCS Ba Đình - Ảnh: Sức khỏe+

Tiêm vaccine trẻ em tại trường THCS Ba Đình - Ảnh: Sức khỏe+

Các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào mức độ dịch để tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể từng trường tổ chức cho học sinh đi học trở lại, gắn với công tác xét nghiệm và tiêm vaccine để bảo đảm an toàn cho trẻ. Khi phát hiện trường hợp F0 là học sinh, lực lượng chức năng đánh giá nhanh triệu chứng để quyết định phương án điều trị, cách ly phù hợp.

Bí thư Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trực tiếp bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng.

Các địa phương nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quản lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở.

 
Nguyễn An (Theo Sức khỏe & Đời sống)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn