Hàng nông sản Trung Quốc ồ ạt xâm nhập Việt Nam

Gia tăng nông sản “ngoại”

Theo khảo sát tại các cửa khẩu và chợ đầu mối nông sản, hiện nay các loại rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc đang ồ ạt dội về các chợ. Từ các chợ đầu mối như Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), Long Biên và Đền Lừ (Hà Nội)… các loại rau quả, trái cây, hành tỏi khô, khoai tây Trung Quốc và hàng chục mặt hàng khác được xe tải chở vào miền Nam rất nhiều. Theo Bộ Công thương, cuối năm lượng nông sản tăng đột biến vì nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thời điểm này nông sản Trung Quốc vào chính vụ, sản lượng lớn mà giá thành rất rẻ, chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp nên vẫn được ưa chuộng.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự kiến từ nay đến Tết Giáp Ngọ, lượng hàng nhập khẩu sẽ tăng. Chi cục đã bố trí cán bộ làm việc tăng ca và trực cả ngoài giờ hành chính để kiểm soát, kiểm dịch nguồn hàng nhập khẩu qua 2 cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Tà Lùng (Cao Bằng). Bà Hà cho biết thêm, chỉ riêng tại cửa khẩu Lạng Sơn, trong năm 2013 đã có 47.736 lô hàng nông sản với 2,448 triệu tấn hàng nhập khẩu. Hiện tại, ước tính mỗi ngày có khoảng 300 tấn nông sản được nhập khẩu, trong đó chiếm đa số là trái cây.



Còn tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) - nơi tập trung các loại nông sản từ Trung Quốc về để trung chuyển vào miền Trung và miền Nam - từ 21 giờ hàng đêm đã bắt đầu náo nhiệt. Theo Ban quản lý chợ Long Biên, trung bình một ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng lưu thông, trong đó chiếm khoảng 50% hàng hóa Trung Quốc. Dự báo, những ngày cuối năm, lượng hàng hóa đổ về đây có thể tăng lên 500 - 600 tấn/ngày.

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Lượng nông sản tràn về ngày càng gia tăng và kèm theo đó là nỗi lo về độ an toàn trong các loại trái cây, rau củ nhập ngoại, đặc biệt là việc kiểm soát dịch hại và hóa chất độc hại, dư lượng kim loại. Theo Bộ Tài chính, hiện nay các loại nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc đều được miễn thuế (áp thuế bằng 0%) nên việc nhập khẩu trái cây, rau củ vào nội địa khá dễ dàng, thông thoáng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là gần đây tại Hà Nội, cơ quan quản lý thị trường đã liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển hoa quả Trung Quốc không rõ nguồn gốc với số lượng lớn. Từ quýt đến cam đường, dưa cô tiên, táo… Đây là những mặt hàng không có hồ sơ rõ ràng, tức không thông qua kiểm dịch. Thực sự, quản lý an toàn vệ sinh đối với nông sản nhập khẩu vẫn còn kẽ hở. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối hiện nay hầu như chỉ dừng lại ở việc quản lý hàng hóa, phương tiện chứ chưa có cơ quan lo kiểm dịch an toàn thực phẩm. Đối với các lô hàng được nhập qua cửa khẩu (vẫn chủ yếu là tiểu ngạch) và có hồ sơ kiểm dịch, thông quan rõ ràng thì không phải tất cả đều “sạch” hoàn toàn. Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, từ ngày 30-10 đến 5-12, trong số hơn 689.000 tấn hàng hóa với hơn 90 mặt hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, khi cơ quan kiểm dịch cửa khẩu “test” nhanh 96 mẫu rau củ quả đã phát hiện có 8 mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. “Các sản phẩm có nguy cơ cao là táo, lê, quýt, dưa vàng, nho, mận, lựu, cà rốt, súp lơ, hành tây…” - bà Nguyễn Thị Hà cho biết.

Theo quy định mới nhất của Bộ NN-PTNT, với những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy xác suất mẫu kiểm tra khoảng 10%. Nếu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên 30%. Hiện Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 đã được trang bị 50 bộ “kit” để kiểm tra nhanh tại chỗ chất lượng rau củ quả nhập khẩu qua đây. Nhưng bộ kit này cũng chỉ kiểm tra được khoảng 30% các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục. Muốn kiểm tra sâu và chắc chắn, chi cục phải gửi mẫu về các trung tâm kiểm nghiệm tại Hà Nội. Còn Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, mục tiêu đặt ra là sẽ đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm ngay tại cửa khẩu để đảm bảo phát hiện và phân tích nhanh, chính xác hơn đối với nông sản nhập khẩu. Bởi như hiện nay, nếu gửi mẫu về Hà Nội thì cũng phải sau 7 - 10 ngày mới có kết quả, trong khi hàng hóa giữ lâu tại cửa khẩu sẽ gây cản trở và thiệt hại cho doanh nghiệp.

"Nhiều loại trái cây Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam liên tục trong năm, nhưng khoảng tháng 3 và 4 mới có nhiều nguy cơ vì đó là lúc trái vụ, nông dân Trung Quốc phải bảo quản trái cây lâu để bán được với giá cao"

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 Nguyễn Thị Hà

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin