Empty
Empty

Thử thách đầu tiên với chúng tôi là một trong tứ đại đỉnh đèo Bắc Sum. 9 khúc cua với hàng trăm cung bậc cảm xúc đánh võng theo cái sự ngoằn ngoèo, vòng vo, quanh co liên tiếp. Chỉ cần non tay lái hoặc bất cẩn một chút, bạn có thể đưa mình và những người đi cùng vào nguy hiểm. Nhưng đó là thử thách xứng đáng. Vượt qua con dốc là cảnh tượng làng quê, núi non thanh bình hiện ra trước mắt. Lũ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, la toáng lên với nhau để dừng lại đôi chút ngắm nhìn.

Trải qua hai tiếng với muôn vàn cảm xúc ấy, điểm đến cổng trời Quản Bạ hiển hiện. Gọi là cổng trời vì khoảng năm 1933, người Pháp đã cho dựng một cánh cổng ở khu vực này. Phía sau cánh cổng là thiên nhiên hùng vĩ của Đồng Văn, Mèo Vạc…, là vùng tự trị của người Mèo. Tuy nhiên, hiện nay cánh cổng không còn, chỉ còn một cái biển nhỏ được dựng lên đánh dấu địa danh lịch sử.

Dừng xe, theo con đường mòn lên đài quan sát, bạn sẽ như vỡ òa với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Bao trùm trước mắt là màu xanh của rừng lá kim, những hàng thông hay sa mộc thẳng tắp, cành lá vươn thẳng lên trời xanh. Cái sắc màu xanh ấy lấp lánh dưới nắng, khoác cái vẻ man mác buồn dưới mưa… thơ mộng mà cuốn hút mãnh liệt khiến người không thể dời mắt. Cũng không có ngôn từ nào có thể miêu tả hết vẻ đẹp nơi đây.

Empty

Lưu luyến rời khỏi núi đôi, chúng tôi tiếp tục vượt núi tới huyện Yên Minh. Núi đôi vẫn thấp thoáng theo những cung đường, lúc gần lúc xa, lúc khuất trong mây trong cây, lúc hiện rõ lấp lánh dưới ánh nắng.

Trên cung đường tới cây cô đơn, chúng tôi bắt gặp một biển báo vô cùng thú vị: “Yên Minh 41km và Yên Minh 22,6km”. Dừng xe hỏi đường, người dân bản địa cho biết, cả hai lối đi đều dẫn về huyện Yên Minh.

Tuyến đường Yên Minh 41km được xây dựng trước, chạy qua 3 xã Bạch Đích, Na Khê và Lao Và Chải. Một đoạn trên đường này nằm cạnh một con suối, phía sau có rừng thông, khung cảnh nên thơ được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” của vùng núi phía Bắc. Yên Minh 22,6km được mở sau, là tuyến đường “tắt” để rút ngắn thời gian đi từ Quản Bạ đến Yên Minh. Điểm cây cô đơn chỉ cách chỗ biển báo khoảng 2km, nên chúng tôi chọn đi con đường 22,6km này.

Dù là đường làm sau nhưng con đường này lại có nhiều dốc, nhiều khúc cua khó và đường xấu hơn. Đúng như người dân chỉ dẫn, đi khoảng 2km, tới địa phận xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), ngay bên rìa quốc lộ 4C, một cây gỗ nghiến đơn độc, trầm mặc giữa đất trời hùng vĩ. Các nhà khoa học đã khẳng định, cây nghiến cô đơn này đã 250 tuổi, cao khoảng 40m, tán lá sum suê, thân cây phải 5 người chúng tôi mới có thể ôm hết được. Đứng trên sườn núi đá, cây nghiêng nghiêng về phía vực, với nhiều cành như những cánh tay khổng lồ vươn vẫy bầu trời, nhìn xuống dòng sông Miện đang chảy qua.

Đúng như những gì mà tôi đã đọc được, cây nghiến cô đơn là điểm checkin mà giới trẻ chúng tôi yêu thích. Rất nhiều bạn trẻ, cũng dừng lại như chúng tôi, đứng dưới gốc cây nghiến, một phần để ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, phần còn lại, không biết có phải là để trầm mặc, chiêm nghiệm về cuộc sống hay không.

Empty

Đúng với cái tên dốc Thẩm Mã, tương truyền, con dốc này là để thử sức ngựa. Người xưa dùng ngựa để thồ hàng trên các vách núi nên cần những con ngựa khỏe, bền sức. Nên họ cho ngựa mang theo hàng, đi từ chân dốc lên tới đỉnh đốc Thẩm Mã, con nào vẫn vững vàng thì giữ lại, con nào yếu mệt thì thịt làm thức ăn. Thực tế có đúng như chuyện xưa hay không tôi không rõ, nhưng leo lên dốc này trên “con ngựa sắt” mang tới cho tôi không ít cảm xúc.

Phải nói là, từ thành phố Hà Giang tới đây, tôi đã vượt qua những cung đèo đẹp mê mải, những con dốc cheo leo, hiểm trở, nhưng chỉ khi tới đây, vượt qua con dốc này, tôi mới cảm nhận trọn vẹn khung cảnh núi non bạt ngàn xanh mướt của vùng đất cao nguyên núi đá Hà Giang. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh dốc Thẩm Mã đẹp mê hoặc lòng người, một bên là vực thẳm vô hình sợ thót tim, một bên là núi cao sừng sững, nhìn như sắp đổ ập xuống, con đường độc đạo uốn lượn mềm mại giữa vách núi cheo leo nhìn hệt như tấm lụa đào vắt qua núi non hùng vĩ. Vào mùa lúa chín, chỉ cần vượt lên đỉnh dốc, trước mắt bạn sẽ là một màu vàng ươm rực rỡ. Thế nên, không ngoa khi nói rằng, vượt dốc Thẩm Mã là vượt qua hết ưu phiền, chỉ còn lại người và thiên nhiên hòa quyện với nhau mà thôi.

SK+ Ha Giang-06

Vượt qua dốc Thẩm Mã, tôi di chuyển tới làng Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Rồng, chỉ cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 1km, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô. Dấu ấn kiến trúc truyền thống vùng cao được bảo tồn nguyên vẹn qua những nếp nhà trình tường được đắp bằng đất nâu, mái ngói âm dương cổ kính cùng những hàng rào đá bao quanh nhà với từng viên đá được xếp thủ công khéo léo.

Lô Lô Chải giờ không nghèo buồn như trước. Từ ngày chuyển đổi sang làm du lịch, người dân Lô Lô Chải đã biết cách giới thiệu những nét đẹp văn hóa và ẩm thực địa phương tới du khách. Cuộc sống của người dân cũng khá hơn nhiều. Tôi thoải mái trải nghiệm văn hóa và thưởng thức ẩm thực địa phương như uống rượu ngô, ăn mèn mén, thịt treo gác bếp, lẩu gà đen,... Lô Lô Chải giờ còn có cả bia nấu từ tam giác mạch, uống vui vui. Buổi tối ở Lô Lô Chải cũng nhộn nhịp hơn nhiều với các hoạt động như đốt lửa trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa nghệ nhân địa phương với du khách lưu trú tại làng. Ngồi nhâm nhi chút rượu ngô, nghe người già kể chuyện, nghe thanh niên thổi khèn, hát đối… trong ánh lửa bập bùng, bất giác say. Không rõ do hơi rượu nồng hay do thứ tình cảm ấm áp mà người dân nơi đây nhen lên trong lòng.

Say vậy, nhưng sáng hôm sau đoàn chúng tôi cũng dậy thật sớm, khi tiếng gà bắt đầu gáy gọi mặt trời, vượt gần 900 bậc thang để lên đỉnh cột cờ, chào bình minh cũng như chào lá cờ Tổ quốc. Nơi địa đầu tổ quốc, trong sương sớm, ánh mặt trời mới le lói, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tiếng quốc ca ngân vang núi rừng, xúc động dâng trào.

Empty

Dời Lô Lô Chải, dời cột cờ Lũng Cú, chúng tôi lại leo lên “con ngựa sắt” để vượt qua những đoạn dốc quanh co ôm lấy những ngọn núi tai mèo kỳ vĩ, ngang qua những triền ngô xanh mướt, những nếp nhà mộc mạc ẩn hiện giữa sắc xanh của núi rừng… để rồi ngỡ ngàng khi đặt chân tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng ở độ cao 2.000m.

Người Mông gọi nơi đây là Mả Pì Lèng - sau bị đổi thành Mã cho thuận tiếng phổ thông, có nghĩa "sống mũi ngựa”. Có ý kiến cho rằng tên gọi này chỉ sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.

Khám phá Mã Pí Lèng là một trong những trải nghiệm thú vị. Nó khiến tôi vượt qua mọi giới hạn cảm xúc, từ hồi hộp, lo lắng cho đến sự thỏa mãn trước khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên khi đứng trên đỉnh đèo. Khung cảnh xung quanh hiện lên là mây trắng, núi xanh, là dòng sông Nho Quế êm đềm, lặng lẽ và còn nhiều hơn thế nữa.

Empty

Mang theo cảm xúc mà đỉnh Mã Pí Lèng mang tới, chúng tôi theo con đường Yên Minh 41km để về thành phố Hà Giang. Trên cung đường này, chúng tôi đi qua rừng thông Yên Minh bạt ngàn, mênh mông mọc giữa lưng trời, tràn trong khắp thung sâu, chạy dài hàng vài chục cây số. Hình như tạo hóa ưu ái riêng cho Yên Minh về thổ nhưỡng và khí hậu ôn đới nên rừng thông và những thảm cỏ ở đây rất phát triển và làm thành một tiểu vùng thiên nhiên: vừa hoang sơ, bình dị, vừa lãng mạn, diệu kỳ.

Rời Hà Giang, chúng tôi mang theo trọn vẹn những cảm xúc mà vùng đất này đem tới, mang theo sự xao xuyến, bồi hồi, nhớ nhung, để rồi, sẽ còn quay lại, để ngắm nhìn để cảm nhận nhiều hơn nữa cảnh sắc và con người nơi đây.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa