Hành trình phôi thai từ tinh trùng người cha đã khuất

Tấm lòng người vợ trẻ

Lần đầu tiên tại Việt Nam

BS. Phạm Thị Vui, nguyên bác sỹ Sản khoa Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) cho biết: “Nhiều trẻ em trên thế giới cũng đã sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên. Đối với người đã chết, chỉ trong một thời gian ngắn việc máu tới tinh hoàn sẽ bị ngưng, dẫn đến tinh trùng thường chết theo. Nhưng với trường hợp này, người xấu số đã tắt thở đến 6 tiếng đồng hồ vẫn lấy được tinh trùng sống với số lượng khá nhiều đó là điều kỳ diệu”.

TS. Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, đầu năm 2010, ông nhận được điện thoại của chị Hoàng Thị Kim Dung là một tiến sỹ, giảng viên đại học tại Hà Nội với giọng nghẹn ngào, đau khổ: “Bác sỹ ơi, em đang ở nhà xác bệnh viện huyện Thanh Trì, chồng em (anh Đỗ Sỹ Ngọc ở Hoàng Mai, Hà Nội) bị tai nạn tàu hỏa mất rồi, anh ấy chưa đầy 30 tuổi. Anh ấy giỏi lắm, hy sinh cho em nhiều lắm, bọn em yêu nhau hơn 5 năm, thì 5 năm em du học Pháp. Về nước cưới nhau hơn 1 năm thì em lại sang Pháp 6 tháng bảo vệ luận án tiến sỹ. Con gái đầu lòng của em mới được 6 tháng tuổi. Bác sỹ làm ơn, giúp em…”.

TS. Vệ hiểu tấm lòng người vợ trẻ và đồng ý nhận lời đề nghị hết sức bất thường đó của chị Dung. Lúc TS. Vệ đến nhà xác bệnh viện huyện Thanh Trì thì đã 6 giờ tối. Nhà xác đông nghịt người đến chia sẻ về cái chết đột ngột của chồng chị Dung. Đến gần xác nạn nhân, hình ảnh nam thanh niên cao lớn nằm bất động, thân thể đã lạnh ngắt khiến ông không khỏi thương cảm. Thương người xấu số một phần nhưng điều khiến ông xúc động nhất là tấm lòng, là tình yêu của người vợ với chồng. Thế nhưng, ông không khỏi lo lắng bởi không dám chắc mình có thành công khi cơ thể người chồng đã lạnh ngắt sau 5 - 6 tiếng tắt thở.

“Sau những phân tâm ngắn ngủi, tôi mạnh dạn rạch lấy một viên tinh hoàn bên phải cho vào hộp trữ lạnh. Tôi nói nhỏ với Dung: “Xong rồi”. Từ tinh hoàn đó, tôi lấy 14 mẫu tinh trùng của nạn nhân đem cất giữ, bảo quản ở nhiệt độ -196 độ. Lấy tinh trùng từ người đã khuất không phải là một kỹ thuật khó vì tinh trùng vẫn có thể sống nhiều giờ đồng hồ sau khi chủ nhân đã mất. Đây cũng không phải là lần đầu tiên, tôi nhận lời đề nghị cất trữ tinh trùng, nhưng cất trữ cho người chết thì là lần đầu tiên”, ông Vệ cho biết.


TS. Vệ đến thăm hai cháu bé mới sinh. Ảnh do TS. Vệ cung cấp

Sự trợ giúp của y học

“Nhiều người xin cất trữ tinh trùng của bạn đời nhưng được một thời gian là thay đổi quyết định bởi nhiều lý do. Nhưng chị Dung là người đầu tiên sử dụng tinh trùng theo đúng nguyện vọng ban đầu trong khi còn quá trẻ, mới 32 tuổi”, TS. Vệ chia sẻ.

Sau khi mãn tang chồng, chị Dung đề nghị TS. Vệ thụ tinh trong ống nghiệm. Ông rất ngạc nhiên và cảm phục trước ý nguyện cao cả của chị Dung: “Em muốn cùng anh ấy có thêm con nữa. Đây là ý nguyện, khao khát cháy bỏng của em và cũng là thể theo nguyện vọng của chồng em khi còn sống”. “Dung là một phụ nữ thành đạt và rất am hiểu nhưng lại quyết định hy sinh, dành trọn sự yêu thương của mình cho người chồng xấu số thì không có lý do gì mà tôi không thực hiện”, TS Vệ nói.

Thế nhưng, lần cấy trứng đầu tiên bị thất bại do kích trứng quá mức, buộc phải đưa phôi trở lại kho đông lạnh, chờ “phôi hồi” mới tiếp tục cấy trứng lần hai. Có kinh nghiệm từ lần thất bại trước, đến lần thứ hai TS Vệ đã thành công mỹ mãn.

Sau thời gian mang thai, ngày 9/12 chị Dung đã hạ sinh hai bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm, một cháu 2,4 kg, một cháu 2,6 kg. Hai bé đã được đăng ký khai sinh và được mang họ của bố. Trước đó, gia đình chị Dung đã mang mẫu xét nghiệm ADN đến bệnh viện xác nhận đúng huyết thống nên các cháu được làm giấy khai sinh như bình thường.

Hiện hai cháu đã tròn 20 ngày tuổi. Các cháu sinh mổ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, đích thân TS. Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc bệnh viện là người tiến hành phẫu thuật. Sau khi đến thăm hai bé song sinh, TS. Vệ không giấu được xúc động: “Không thể nào tả được! Ôm hai bé vào lòng cảm giác lúc đó trong tôi rất khó tả, vừa xúc động, vừa vui sướng”. Có lẽ cũng vì ấn tượng với người phụ nữ đặc biệt – mẹ của hai cháu bé này mà TS. Lê Vương Văn Vệ đã quyết định hỗ trợ một phần kinh phí việc lưu giữ tinh trùng của chồng chị Dung.

Tinh trùng có thể cất trữ an toàn đến 50 năm

TS. Lê Vương Văn Vệ cho biết, kinh phí cất trữ tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội được thu phí theo đúng quy định của Bộ Y tế từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Hợp đồng cất trữ được tính theo từng năm một, hết năm người có nhu cầu cất trữ và bệnh viện lại liên lạc với nhau xem có tiếp tục thực hiện cất trữ nữa hay không. Việc cất trữ tinh trùng này có thể sử dụng an toàn đến 50 năm.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất