Hình ảnh chụp X-quang các hạt phóng xạ được cấy trong vú của một bệnh nhân. (Nguồn: cbc.ca)
Tiến sỹ Siraj Husain chuyên khoa xạ trị cho biết phương pháp điều trị mới này được thực hiện dựa trên công nghệ cấy các hạt phóng xạ, có kích thước bằng hạt gạo, vào vùng bệnh để thay thế cho phương pháp điều trị bức xạ truyền thống vẫn sử dụng lâu nay.
Theo tiến sỹ Husain, do không sử dụng chùm tia bức xạ chiếu vào cơ thể nên phương pháp mới sẽ hạn chế đối đa những tác động của phóng xạ lên da cũng như các cơ quan khác của cơ thể người bệnh.
Ngoài ra, việc cấy ghép các hạt phóng xạ cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thay đổi hình dạng vú của người bệnh, đồng thời cũng không buộc người bệnh phải đến bệnh viện hàng ngày trong nhiều tuần như trong phương pháp xạ trị truyền thống.
Trong một nghiên cứu quốc gia về cấy ghép hạt phóng xạ, 20 bệnh nhân có nguy cơ thấp sẽ được tiến hành thủ thuật này.
Tiến sỹ Husain khẳng định phương pháp điều trị bằng hạt phóng xạ có thể tại ra một bước tiến trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư vú.
Các bệnh nhân sẽ được cấy 50-80 hạt phóng xạ vào xung quanh phần cơ thể bị bệnh. Các hạt phóng xạ này được làm từ nguyên tố phóng xạ palladium và được cấy ghép vào cơ thể thông qua một cây kim đặc biệt.
Sau khi được cấy ghép, các hạt phóng xạ này sẽ nằm bên trong cơ thể và mất khả năng phóng xạ sau khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, chỉ các bệnh nhân có khối u kích thước dưới 3cm và được xếp vào nhóm nguy cơ thấp mới được điều trị bằng phương pháp này.
Việc cấy các hạt phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư vú được tiến hành lần đầu tiên tại Trung tâm khoa học y tế Sunnybrook ở thành phố Toronto. Khi đó, Quỹ ung thư Alberta đã cấp kinh phí 252.000 đôla Canada để mua các thiết bị chuyên dụng cần thiết cho việc tiến hành cấy ghép.
Nếu phương pháp này cho hiệu quả tích cực thì nó sẽ là tin vui lớn với "một nửa" của thế giới vì ung thư vú là một trong những căn bệnh có tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở chị em.
Bình luận của bạn