Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng vaccin viêm gan B
Vào tối 19/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiếp nhận 3 sản phụ, đều sinh sống trên địa bàn, gồm: vợ chồng anh Nguyễn Đình Đạo (trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo), vợ chồng anh Hồ Văn Hang (trú xã Thuận) và một gia đình chưa rõ danh tính.
Việc sinh nở diễn ra bình thường, nhưng vào buổi sáng ngày 20/7, khi các y tá điều dưỡng tiến hành tiêm phòng vaccin viêm gan B cho 3 trẻ, thì cả 3 trẻ này đều tử vong sau đó.
Anh Nguyễn Đình Đạo - bố của một
cháu bé sơ sinh bị tử vong do tiêm vắc-xin viêm gan B tại Quảng Trị
Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Trị - đã cho biết: "Cả 3 trẻ khi sinh ra đều
khỏe mạnh, sau khi tiêm vaccine viêm gan B 24 giờ đầu cho 3 trẻ vào lúc 7h sáng 20/7, đến 8h30 cả 3
cháu có dấu hiệu khóc và tím tái. Ngay sau đó các cháu được đưa vào hồi sức nhưng không qua khỏi.
Hiện đã niêm phong số vaccine cùng loại để kiểm tra. Theo tìm hiểu thì quy trình tiêm đúng, có thể
do sốc thuốc". Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa thì nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ tử
vong "nghi do sốc phản vệ sau tiêm vaccine viêm gan B".
Được biết số vaccine viêm gan B này nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sản xuất năm 2012, hạn sử dụng đến 2015. "Loại vaccine này đã được sử dụng nhiều. Trong lô vaccine được tiêm cho 3 trẻ bị tử vong thì trước đó đã được sử dụng và không có sự việc gì xảy ra" - một bác sĩ tại Bệnh viện Đa Khoa Hướng Hóa cho hay.
Ông Thành cho biết thêm, hiện Sở y tế đang kiểm tra lại tất cả các quy
trình chuyên môn để báo cáo với các cơ quan liên quan, đồng thời động viên gia đình có con bị tử
vong.
Điều dưỡng trượt chân làm ngã 5 trẻ sơ
sinh
Anh Nguyễn Trường Sơn (30 tuổi, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại sự việc trong sự phẫn nộ của một người bố có con mới 3 ngày tuổi (tại thời điểm bị ngã): "Hôm ấy, điều dưỡng Vân Anh tới cho các cháu đi tắm nhưng thái độ làm việc nặng nề, vùng vằng. Chiếc xe đẩy cao gần 1m chỉ đủ chỗ nằm cho 4 cháu nhưng lại được "nhồi nhét" tới 5 trẻ sơ sinh mới được vài ngày tuổi.
Tới trước cửa phòng 32, điều dưỡng Vân Anh trượt chân làm nghiêng xe và cả 5 cháu đều ngã từ độ cao của chiếc xe đẩy ấy xuống đất. Một cháu bị văng ra ngoài khoảng 1m. Gia đình hốt hoảng, vội chạy lại bế các cháu. Lúc ấy, điều dưỡng Vân Anh cũng không thấy đâu nữa. Sự việc ấy được rất nhiều người trong khoa chứng kiến".
Anh Sơn chia sẻ thêm: "Các cháu mới được mấy ngày tuổi, chưa có phản xạ gì, lại bị ngã như thế rồi lại phải chụp chiếu… Các sản phụ mới sinh nhưng vì thương, vì nhớ con mà khóc suốt. Nhưng khi làm biên bản, bệnh viện chỉ viết chung chung mà chưa nói cụ thể các cháu rơi từ độ cao bao nhiêu, mức độ ảnh hưởng như thế nào…".
Cũng theo gia đình cho biết, sau khi chuyển các cháu đi theo dõi, bác sĩ Vũ Hoàng Yến - Phó khoa A3 đã gặp gia đình và thông báo tình trạng các bé: Lúc đó, bị nặng nhất là bé Nguyễn Hà My, bị động não và nằm lại bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi (hiện tại cũng đã được chuyển về bệnh viện Phụ sản Hà Nội), 4 cháu còn lại chưa có dấu hiệu gì nghiêm trọng và được chuyển lên khoa sơ sinh A4 để theo dõi đặc biệt.
Đến chiều ngày 18/7, các bé Nguyễn Tuấn Minh, Nguyễn Khắc Huy, Nguyễn Quang Phúc và Khổng Minh Trí đã được đưa về với mẹ và sẽ được tiếp tục theo dõi thêm, chưa bé nào xuất viện.Gia đình và bệnh viện đã làm việc với nhau, tuy nhiên, đến hiện tại, cả 2 bên vẫn chưa có được tiếng nói chung. Đại diện gia đình 4 cháu bé bị điều dưỡng ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm ngã không đồng ý với bản cam kết của lãnh đạo Khoa A3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa ra có sửa đổi so với hôm 18/7 (tức là các nội dung văn bản không giống như những gì các hộ gia đình và ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thống nhất vào chiều 18/7).
Cũng theo phản ánh của phụ huynh các cháu thì điều dưỡng Trần Thị Vân Anh chỉ mới đến thăm hỏi bé Phạm Hà My (bệnh nhân bị nặng nhất đến thời điểm hiện tại) thế nhưng với 4 cháu còn lại thì không có một lời thăm hỏi mặc dù các bé nằm cách giường nhau không xa!?).
Nhiều trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Trong khoảng từ năm 2011 đến 2012, tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã xảy ra nhiều tai biến sản khoa, làm chết nhiều bé gây bức xúc trong dư luận. Tại bệnh viện này, đã có tới 23 trường hợp tử vong, trong đó có nhiều trường hợp tử vong cả sản phụ lẫn trẻ sơ sinh. Nhiều sản phụ ở tỉnh Quảng Ngãi đã không tin tưởng vào Khoa Sản của bệnh viện này, tìm cách đến các bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Đà Nẵng để sinh nở.
Vào cuối năm 2012, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi lại tiếp tục xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh vừa mổ xong đã chết lâm sàng. Khi đến tìm hiểu vụ việc, nhiều phóng viên bị cản trở, trong khi người nhà bệnh nhân bức xúc xô xát với bác sĩ…
Theo Anh Lê Văn Vũ (32 tuổi, ngụ phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi), vào khoảng 8 giờ 30 ngày 19-11, anh đưa vợ là chị Bùi Thị Mỹ Ly (30 tuổi) vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vì có biểu hiện chuyển dạ.
Đến trưa, vợ anh được nhập viện chờ sinh. Sau khi thăm khám 2 lần, các bác sĩ bảo mẹ và thai nhi đều ổn, chờ sinh thường. Thế nhưng nằm từ trưa đến 17 giờ, vợ anh vỡ ối, tử cung mở 6 phân.
Mãi đến 20 giờ 10 phút cùng ngày, khi sản phụ Ly vỡ ối, sa dây rốn…, các bác sĩ mới tiến hành mổ
khẩn cấp. Sau khi mổ, bé trai sơ sinh đã ngạt nặng và chết lâm sàng.
Bà Trương Thị Đẩu (mẹ sản phụ Ly) - cho biết: "Từ khi cháu được đưa lên Khoa Nhi, chúng tôi có hỏi về cháu nhưng không ai nói gì hết. Họ (các bác sĩ - PV) hai lần kêu chúng tôi ra ngoài mua đá để ướp cho cháu. Đến sáng (22/11), tôi vào thấy cháu tím tái, không thở. Đến giờ tôi khẳng định cháu tôi đã chết. Tội nghiệp con gái tôi, 10 năm nay mới có được đứa con, giờ cháu chết mất rồi", nói đến đây bà Đẩu bật khóc.
Quá đau đớn trước vụ việc, anh Lê Văn Vũ đã xông vào phòng đang điều trị cho con mình và xô xát với một số bác sĩ trực vì cho rằng chính họ đã giết chết con mình. Sau khi được lực lượng công an đưa ra ngoài, anh Vũ đã ngất xỉu ngay trước cửa Khoa sản.
Ngay sau sự việc trên, bệnh viện đã tổ chức họp hội đồng y khoa với kết quả không ngoài… dự
đoán. Cuộc họp kết luận: Nguyên nhân gây ngạt thở nặng của trẻ sơ sinh con sản phụ Ly là do sa dây
rốn. Theo nhận định, bác sĩ Khoa sản đã khám bệnh kịp thời, cho làm đầy đủ các xét nghiệm, phát
hiện kịp thời sa dây rốn, thực hiện đầy đủ đúng quy trình xử lý sa dây rốn. Chỉ định mổ đúng và kịp
thời.
Điều dưỡng Khoa Nhi chăm sóc đúng quy trình, bác sỹ điều trị tại Khoa Nhi điều trị đúng phác đồ. Sự
phối hợp giữa bác sỹ Khoa Sản, Khoa Nhi, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức rất chặt chẽ...!?
Một điều hết sức phi lý là sau khi hay tin vụ việc xảy ra, nhiều phóng viên của các báo, đài đến Khoa Nhi lấy thông tin nhưng các bảo vệ bệnh viện liên tục cản trở, giật máy ảnh, xông vào xô đẩy phóng viên vì cho rằng "có lệnh lãnh đạo bệnh viện không cho phóng viên tác nghiệp".
Nói về nguyên nhân của vụ việc này, ông Lê Huy, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định, nếu so sánh với các bệnh viện khác trong khu vực thì Khoa sản ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không phải thiếu trang thiết bị, máy móc, nhân lực... "Trách nhiệm lơ là, chuyên môn kém chính là 2 yếu tố dẫn đến một số trường hợp tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh vừa qua".
Bình luận của bạn