Bệnh nhi và người thân tại hành lang khoa Tim, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Ngày 28/8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM phối hợp với Hội Nhi khoa TP. HCM tổ chức Hội nghị khoa học Nhi khoa năm 2014.
Tại hội nghị, PGS. TS. BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, chủ nhiệm bộ môn Nhi, trường Đại học Y dược TP.HCM báo cáo đề tài “Những thách thức trong xử trí bệnh tim bẩm sinh tím” nêu ra những khó khăn, bất cập trong quá trình điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em.
Quản lý thai kỳ chưa tốt
Nguyên nhân được đánh giá là do phương tiện chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán tốt hơn (máy siêu âm tim, chụp CT cắp lớp, chụp MRI, chụp DSA…), kỹ năng của các bác sỹ nhi khoa trong việc phát hiện tim bẩm sinh cũng cao hơn trước nên khả năng phát hiện bệnh tốt hơn. Ngoài ra, việc quản lý thai kỳ chưa tốt cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng cao hơn trước.
“Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em có thể phòng ngừa được như đái tháo đường của thai kỳ, nhiễm trùng bào thai, chẩn đoán tiền sản…”, PGS. TS. BS Vũ Minh Phúc khẳng định.
Điều trị trong tình trạng nghèo nàn
Việt Nam hiện có 19 bệnh viện điều trị bệnh tim ở trẻ, trong đó TP. HCM có 10 bệnh viện, Hà Nội 5 bệnh viện, còn lại là Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Kiên Giang mỗi tỉnh thành có 1 bệnh viện.
Trong số 19 bệnh viện, chỉ có 5 bệnh viện phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Viện Tim TP. HCM và Bệnh viện Trung ương Huế).
Mạng lưới bác sỹ tim mạch nhi rất mỏng và chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Thống kê, cả nước có khoảng 50 bác sỹ được đào tạo bài bản về tim mạch nhi. Trong đó, chỉ có 20 bác sỹ có thể phẫu thuật được những bệnh tim bẩm sinh rất khó, rất nặng ở trẻ sơ sinh. Các bác sỹ này đều tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và Huế.
Không chỉ thiếu nhân lực mà cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ cũng thiếu thốn. Hầu như, không có bệnh viện nào trên cả nước có một xe chuyển bệnh đạt chuẩn quốc tế. Bơm tiêm, máy thở, monitor, máy siêu âm tim, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, giường hồi sức… cũng thiếu thốn.
“Chúng ta đã xử lý cho bệnh nhân trong điều kiện rất nghèo nàn”, bác sỹ Minh Phúc kết luận. Ngay cả hai loại thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tim là PGE1, milrinone đang được thế giới sử dụng để cứu nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh thì chúng ta lại rất thiếu. Tuy nhiên, theo bác sỹ Phúc, thuốc milrinone lúc có lúc không, còn PGE1 đã hết, phải đi năn nỉ rất nhiều nơi nhưng vẫn không được nơi nào duyệt, không được quan tâm vì cho rằng thuốc này không quan trọng, không thiết yếu. Tuy nhiên, bác sỹ Phúc khẳng định, nếu không có loại thuốc này thì khoảng 3.000 trẻ mắc bệnh tim nặng sẽ tử vong.
Bình luận của bạn