Hợp tác toàn cầu thúc đẩy y tế phát triển

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong những năm qua, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của ngành y tế Việt Nam trong các xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, kỹ năng quản lý bệnh viện, công nghệ phát hiện sớm và điều trị bệnh... Các chuyên gia y tế của Nhật Bản cũng không ngừng giúp đỡ Việt Nam, chuyển giao các kỹ thuật mới trong việc điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm.


Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự giúp đỡ của Nhật Bản với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong những năm qua

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Trong buổi tọa đàm lần này, GS. Keizo Takemi chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân từ những năm 1961. Theo GS. Keizo Takemi, chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc của Chính phủ Nhật đã được thực hiện triệt để. Mở đầu, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói chính sách tổng thể để phát triển tầng lớp trung lưu khỏe mạnh. Nhóm trung lưu này là những người tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng những dịch vụ chăm sóc y tế tốt, đa dạng. Và nhóm người này sẵn sàng chia sẻ chi phí với nhóm người có thu nhập thấp để họ được hưởng miễn phí các dịch vụ y tế sẵn có. Sau 39 năm, từ 1922 khi Luật Bảo hiểm y tế của Chính phủ Nhật được thông qua, Nhật Bản đã đạt độ phủ 100% đối với BHYT toàn dân. Và để đạt được điều này, đó là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ cũng như ngành Y tế Nhật Bản trong chính sách vừa bắt buộc vừa giáo dục đối với người dân.

Cũng tại buổi tọa đàm này, GS. Takemi cũng chia sẻ về việc cải thiện các chỉ số sức khỏe của cộng đồng trong giai đoạn già hóa dân số. Nhật Bản là một quốc gia có dân số già. Các chính sách của Chính phủ Nhật như đồng chi trả bảo hiểm y tế, xây dựng nhóm Bảo hiểm y tế cho người trên 75 tuổi, xây dựng chương trình cải thiện sức khỏe để tăng cường số năm sống khỏe mạnh... Từ những năm 1961 đến nay, Chính phủ Nhật đã Luật hóa được những vấn đề này. Nhật Bản là quốc gia sống thọ và khỏe mạnh nhất trên thế giới. Số người cao tuổi Nhật Bản cần sự chăm sóc y tế lâu dài được giảm xuống đến mức tối đa.


Thượng nghị sỹ, GS. Keizo Takemi chia sẻ các kinh nghiệm trong phủ kín BHYT toàn dân và đẩy mạnh chăm sóc y tế ở xã hội già hóa của Nhật Bản và đưa ra các gợi ý thực hiện tại Việt Nam

Áp dụng tại Việt Nam

Việt Nam đang trên con đường mở rộng BHYT. Hiện nay, độ phủ của BHYT là gần 70%, dự kiến đạt 80% năm 2015. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, đây là vấn đề khó thực hiện bởi, nhóm đối tượng chưa có BHYT là nhóm đối tượng nghèo, tầng lớp lao động.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, GS. Takemi cho rằng, bên cạnh việc Luật hóa BHYT, BHYT là bắt buộc, Chính phủ Việt Nam và ngành Y tế nên có những cải tiến đối với các dịch vụ y tế dành cho nhóm người được bảo hiểm. Chỉ khi người dân nhận thấy rằng, tham gia BHYT họ sẽ được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế cao cấp với giá thành phải chăng (từ chính sách đồng chi trả từ nhà nước và người dân) thì họ sẽ tự nguyện tham gia. GS. Takemi cũng nhấn mạnh rằng, độ phủ y tế toàn dân sẽ không đạt được nếu BHYT không có độ phủ lớn. Và để hiện thực hóa độ phủ y tế toàn dân cũng như BHYT toàn dân này, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng chứ không phải của mình ngành y tế.

Về giải pháp cho già hóa dân số, GS. Takemi khẳng định, nếu chưa thực sự bước vào giai đoạn già hóa dân số, thường các Chính phủ không nhận thức hết được những khó khăn, thách thức mà dân số già tác động đến nền kinh tế - xã hội. Với kinh nghiệm của Nhật Bản, trong những năm tới (chuẩn bị cho giai đoạn dân số già tại Việt Nam trong 10 - 15 năm tới), Chính phủ Việt Nam nên đẩy mạnh các chương trình quốc gia phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây nhiễm, trong đó nên chú trọng đến công tác dự phòng tại từng địa phương.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đánh giá cao sự giúp đỡ của GS. Takemi trong những chia sẻ về các vấn đề xã hội và y tế trong chuyến thăm Việt Nam lần này

Lấy ví dụ từ Nhật Bản, từ những năm 1990, các cơ sở y tế tư nhân tại các vùng nông thôn Nhật Bản đã phải thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho người dân về phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cũng như không lây nhiễm. Các cơ sở y tế này sẽ bị kiểm tra bất thường, nếu không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị đóng cửa.

Kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định, với những chia sẻ của GS. Takemi, Bộ Y tế Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc Luật hóa BHYT toàn dân và các chính sách chăm sóc sức khỏe dài hạn trong giai đoạn già hóa dân số trong thời gian tới. Việc tăng cường đầu tư vào y tế cơ sở, bác sỹ gia đình cũng sẽ được bàn thảo và vạch ra phương hướng thực hiện trong thời gian sớm nhất.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin