Ngày 11/9, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) cho biết BV vừa cứu sống một bệnh nhân đuối nước rất đặc biệt, cũng là trường hợp hiếm gặp ở từ trước đến nay.
Bệnh nhân là cháu Nguyễn Đăng Đan,13 tuổi ở Quế Võ- Bắc Ninh.
Gia đình cháu cho biết: chiều 4/9, trên đường từ trường về nhà, Đan và các bạn rủ nhau tắm mương. Do không biết bơi, lại bị kéo xuống chỗ sâu nên Đan bị
đuối nước. Em may mắn được một người câu cá gần đó cứu lên và làm các biện pháp sơ
cứu. Khoảng 10 phút sau thì Đan thở lại, tỉnh táo hoàn toàn và có thể đi xe đạp
về.
Về đến nhà, cháu thấy mệt nên cháu lên giường nằm. Khoảng 3 tiếng sau, gia đình thấy cháu tím tái, khó thở, lịm đi ngay trên giường nên đưa đi cấp cứu tại BV đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh). Tại đây, các bác sĩ chụp phổi, trên phim chụp cho thấy phổi bị mờ hoàn toàn nên nhanh chóng chuyển lên BV Bạch Mai.
Hình chụp phổi bệnh nhân Đan, từ trái sang, lúc nhập viện phổi hoàn toàn bị mờ, gần như không nhìn thấy, sau ba ngày điều trị phổi đã gần như bình thường.
Tại BV Bạch Mai, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị phù phổi cấp nguy hiểm, phổi đã bị tổn thương rất nặng. Bệnh nhân vẫn hít vào thở ra được, không khí vào được phổi nhưng đến phế nang, nơi trao đổi oxy thì không thực hiện được do tổn thương quá nặng.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết trước khi thở máy, phân áp oxy trong máu của bệnh nhân rất thấp, chỉ còn 25m Hg. Bình thường, oxy trong máu trung bình khoảng 100mmHg, có thể cho phép xuống thấp ở 70mmHg. Trong khi đó, khí cacbonic vượt lên 52mmHg. Chuyên môn gọi là "chết đuối trên cạn", những trường hợp này cực kỳ nặng và nguy hiểm.
Cháu Đan và bố kể lại sự việc
"Đối với việc xử lý phù phổi cấp tổn thương, chiến lược đầu tiên và quan trọng là cho thở máy để tăng nồng độ oxy trong máu. Không có máy thở không thể cứu được, nhưng phải dùng máy hiện đại, vì phổi bị tổn thương, không thể trao đổi oxy"- bác sĩ Dũng nói - "Với trường hợp bệnh nhi Đan, chúng tôi đã đã làm thủ thuật PIP, nghĩa là giúp cho không khí vẫn còn ở trong phổi khi bệnh nhân thở ra, để cho không khí ở lâu trong phế nang, giúp quá trình trao đổi khí diễn ra tốt hơn. Đây là chiến lược thở máy với PIP cao, oxy cao để chữa các tổn thương phù phổi cấp do đuối nước".
Đặc biệt, ở ca này, sau khi cháu bé rơi xuống nước, những chất độc trong nguồn nước ở mương vào trong phổi, sau một vài tiếng sau phá hủy phổi, dẫn đến phù phổi cấp. "Bệnh nhân Đan bị phù phổi cấp tổn thương, gây hội chứng suy hô hấp, bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không cứu chữa kịp thời rất dễ tử vong", bác sỹ Dũng cho biết.
Sau ba ngày được thở máy liên tục, đến nay bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, sức khỏe đã ổn định, có thể ăn uống, đi lại, nói năng... bình thường. Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân có thể ra viện sau hai ngày nữa mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
Ông Dũng khuyến cáo, nếu đuối nước, đặc biệt ở nơi sông ngòi hồ ao, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả khi đã thở được, dứt khoát phải đưa đến cơ sở y tế. Vì phù phổi cấp tổn thương thường sẽ xảy ra ngay sau đó khoảng vài giờ, nếu đến BV chụp phổi sẽ phát hiện ra phù phổi để điều trị kịp thời. "Phù phổi tiến triển rất nhanh, như "nước thủy triều dâng" vì vậy hết sức nguy hiểm", bác sỹ Dũng nói.
Bình luận của bạn