Kết thúc “Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh ATTP” - Còn nhiều việc cần làm


Các vụ NĐTP do TĂĐP thường chiếm từ 3,2 đến 5,7% trong tổng số vụ NĐTP mỗi năm

Với 2 hoạt động chính là: chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP và chiến dịch thanh tra, kiểm tra liên ngành về quản lý chất lượng VSATTP, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, Ban quản lý Lễ hội, khu du lịch, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng VSATTP nói chung và bảo đảm ATTP TĂĐP nói riêng.

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, theo báo cáo của các địa phương, 100% số cơ sở kinh doanh TĂĐP đã cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP.

Cũng trong tháng hành động năm 2014, cả nước đã thành lập 11.155 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp từ Trung ương đến xã, phường. Hoạt động thanh kiểm tra đã góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh TĂĐP.

Đầu xuôi nhưng đuôi chưa lọt

Theo số liệu thống kê từ năm 2006 đến nay, các vụ NĐTP do TĂĐP thường chiếm từ 3,2 đến 5,7% trong tổng số vụ NĐTP mỗi năm. Kết quả giám sát 24.046 mẫu thực phẩm TAĐP (năm 2013) do các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố thực hiện cho thấy: Có đến 26,5% mẫu nhiễm Coliform; 18,4% mẫu nhiễm E.Coli; 22,8% mẫu ôi, khét và 8,4% mẫu sử dụng hàn the...

Nửa đầu “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” diễn ra trùng với rất nhiều lễ, hội trong đó có nhiều lễ, hội lớn như dịp nghỉ lễ 30/4, Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại lễ Phật đản VESAK 2014, Carnaval Hạ Long… Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục VSATTP, Bộ Y tế, nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng và các địa phương mà chúng ta không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nào liên quan đến các lễ, hội.

Tuy nhiên, giai đoạn cuối và sau khi kết thúc “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP”, hàng loạt vụ NĐTP đã được ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu… khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người phải nhập viện. Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ trong chưa đầy 3 tháng gần đây, hơn 1000 người có dấu hiệu NĐTP với 10 người tử vong, xấp xỉ con số của 4 tháng đầu năm.


Nguyên nhân tử vong chính trong các vụ NĐTP trong 6 tháng đầu năm là do độc tố tự nhiên

Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến ngày 10/6, toàn quốc ghi nhận có 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 2084 người mắc, 1528 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2013, số vụ giảm 12 vụ (15,2%), số đi viện giảm 88 người (5,4%), tuy nhiên số mắc tăng 278 người (15,4%), số tử vong tăng 7 người (41,2%).

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên nhân tử vong 24 người trong các vụ ngộ độc thực phẩm năm 2014 là do: Độc tố tự nhiên trong nấm là 12 người, độc tố tự nhiên của cóc là 1 người, độc tố tự nhiên của cá nóc là 1 người, độc tố tự nhiên so biển là 3 người, độc tố trong rượu ngâm củ ấu tầu là 2 người, độc tố tự nhiên trong ve sầu nhiễm nấm là 1 người, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc là 3 người và 1 người chưa xác định nguyên nhân gây tử vong.

Cần tăng cường hơn nữa VSATTP

Những con số thống kê là lời cảnh báo chúng ta không thể lơ là với công tác VSATTP. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và TĂĐP nói chung tại Việt Nam thường là nhỏ lẻ, mang tính chất thời vụ, cho nên việc đầu tư trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm ATTP không được coi trọng đúng mức. Việc thực hành, nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAÐP đối với người tiêu dùng chưa cao, còn tình trạng đối phó với các quy định của Nhà nước về ATTP khi có các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng thường dễ tính khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm TĂĐP, dù chung quanh nơi sản xuất, kinh doanh không thật sự bảo đảm vệ sinh... do tâm lý giá rẻ, thuận tiện trong sinh hoạt, ăn uống. Nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, các vụ NĐTP do TĂÐP vẫn còn những diễn biến phức tạp, cũng như khó kiểm soát một cách bền vững ở tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp TĂÐP.

Đáng lưu ý, ở một số địa phương, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức được hết trách nhiệm của mình trong vấn đề ATTP TĂÐP, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn. Cán bộ quản lý việc sản xuất, kinh doanh TĂÐP, nhất là tại tuyến huyện, xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm do thiếu nguồn nhân lực, cũng như trình độ còn hạn chế và việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thiếu, không đồng bộ...

Theo dự báo của Cục VSATTP, trong thời gian tới, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thời tiết nóng ẩm của mùa Hè; tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch, lễ hội…

Chính vì vậy, các giải pháp để tăng cường VSATTP là hết sức cần thiết để bảo đảm chất lượng VSATTP nói chung và bảo đảm ATTP TĂĐP nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP.HCM:

Thành phố hiện có 16.463 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.862 người tham gia kinh doanh. Hiện mới chỉ có 190 cơ sở và 229 người tham gia mô hình điểm về thức ăn đường phố sau nhiều nỗ lực vận động của các ban ngành liên quan suốt 10 tháng triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố



linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin