Theo khảo sát của phóng viên tại một số bệnh viện (BV) tuyến trung ương, hầu hết bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) phải chờ đợi hơn 2 giờ mới hoàn tất khâu khám và chữa bệnh (KCB).
Bác sĩ đối phó để khỏi bị phạt
Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn cải tiến quy trình KCB tại BV". Theo đó, quy trình này không được vượt quá 4 bước cơ bản: Tiếp đón, khám - chẩn đoán, thanh toán viện phí, phát - lĩnh thuốc. Bộ Y tế cũng "siết" thời gian khám bệnh đơn thuần là 2 giờ, khám lâm sàng có thêm 1 xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) là 3 giờ, khám lâm sàng có làm thêm 3 kỹ thuật là 4 giờ.
Tuy nhiên, là bệnh nhân thường xuyên khám bệnh bằng BHYT, anh Hoàng Văn Chinh (37 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng khám bệnh từ 2-3 giờ khác nào đánh đố bác sĩ. "Tôi bị mấy vết loét trong miệng, đi khám tại BV Da liễu Trung ương cũng mất cả buổi sáng, chưa nói gì đến những bệnh phức tạp" - anh Chinh ngao ngán.
Trong khi đó, bác sĩ Võ Văn Tiến - Giám đốc BV Nguyễn Trãi, TP HCM - lo lắng: Những quy định cứng nhắc trong KCB bằng BHYT đã gây áp lực cho bác sĩ. Do vậy, họ không chuyên tâm điều trị mà phải "cân não" đối phó với thủ tục BHYT để làm sao khỏi bị phạt. Trước sự lo ngại của các bác sĩ, đại diện Bộ Y tế cho rằng rút ngắn quy trình KCB từ 2-4 giờ là chỉ tiêu để các BV phấn đấu đến năm 2015 phải thực hiện được, không phải bắt buộc các BV phải đạt ngay. Nguyên nhân do mỗi BV có những đặc thù riêng, phải tiến hành đánh giá, nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
"Trói" bệnh nhân vì lo vỡ quỹ
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị người dân cần coi BHYT là "bùa hộ mệnh", tham gia BHYT là quyền lợi chứ không phải khi nào ốm mới lo mua. "Với mệnh giá như hiện nay, gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt vì có sự hỗ trợ nhà nước và cả hệ thống y tế" - bộ trưởng nói. Dù vậy, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận đâu đó vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử khi KCB bằng BHYT, thời gian chờ đợi lâu, thủ tục phiền hà, thái độ của một số cán bộ y tế chưa thật tận tình…
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP HCM, nhìn nhận công tác KCB BHYT đang tồn tại nhiều vấn đề như: lạm dụng BHYT, trình độ chuyên môn tuyến dưới hạn chế nên người bệnh đổ dồn lên tuyến trên… Một số bệnh nhân BHYT kể rằng ngay cả việc muốn lên tuyến trên để KCB cũng rất nhiêu khê. Lý do mà BV hạn chế cho bệnh nhân BHYT chuyển tuyến điều trị được nhiều lãnh đạo BV đổ thừa do cơ chế thanh toán chi phí KCB. Theo quy định, các cơ sở KCB BHYT ban đầu được sử dụng 90% quỹ KCB để chi trả các chi phí, kể cả chi phí cho các cơ sở khác trong trường hợp người bệnh được chuyển tuyến dù hoàn toàn không biết tuyến trên "tiêu tiền" của mình thế nào. Vì lo không được BHYT thanh toán, nhiều cơ sở đã chọn giải pháp "trói" bệnh nhân, nhiều người đổ bệnh nặng hoặc điều trị ở tuyến dưới mãi không khỏi phải tự ý vượt tuyến.
Giải thích về tình trạng này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khẳng định cơ quan này không cứng nhắc trong thanh toán BHYT vượt quy định. "Nếu chi phí vượt trần do nguyên nhân khách quan bất khả kháng (bệnh nặng, kháng thuốc, biến chứng), đương nhiên BHYT sẽ chi trả vì đây là chi phí hợp lý" - ông Sơn dẫn chứng.
Phân biệt đối xử Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã chỉ ra rằng hiện nay, đa số BV đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và mở rộng xã hội hóa. Bệnh nhân BHYT chỉ được hưởng những dịch vụ cơ bản do BHYT chi trả. Khi sử dụng dịch vụ xã hội hóa, họ phải trả thêm phần tiền chênh lệch. Xã hội hóa dẫn đến hình thành hai chế độ trong một BV công: Bệnh nhân BHYT 2-3 người/giường và bệnh nhân KCB theo yêu cầu thì 1 người/phòng tiện nghi. Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện nhiều đã làm cho BHYT thiếu hấp dẫn. |
Bình luận của bạn