Khẩn trương phòng tránh các dịch bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh nhưng chưa tìm ra thuốc chữa. Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Tung ương Nguyễn Văn Kính cho rằng: “Việt Nam chưa từng ghi nhận ca mắc Ebola. Tuy nhiên, với môi trường hòa nhập như hiện nay thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất dễ dàng. Do vậy, chúng ta vẫn phải sẵn sàng các phương án phòng chống, điều trị”.


Dịch Ebola lây lan rất nhanh và chưa có thuốc chữa

Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Y tế dự phòng của các tỉnh, thành tăng cường phòng chống bệnh dịch hạch thể phổi. Bởi căn bệnh này đang xảy ra ở Trung Quốc và Mỹ, với 1 trường hợp tử vong ở Trung Quốc. Bệnh nhân khởi phát bệnh sốt, ho và tử vong chỉ sau 1 ngày nhập viện. Theo thông báo của Mỹ ngày 21/7, có 4 ca mắc bệnh thì cả 4 bệnh nhân đều tiếp xúc với chó bị ốm có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi (con chó sau đó đã chết ngày 26/6).


Virus Hanta lây từ chuột qua người

Lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM cho biết trong tháng 7 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virus Hanta ở quận Tân Bình và quận Phú Nhuận. Bệnh do virus Hanta lây truyền từ động vật sang người bởi loài gặm nhấm, chủ yếu là do chuột nhiễm virus cắn, hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus.

Bệnh không lây từ người qua người, tuy nhiên virus Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp, có thể dẫnn đến tử vong. Đáng lo ngại là kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP và Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện chuột ở Quận 8 nhiễm virus Hanta, với tỷ lệ 21,7% trên chuột nhắt và 9,3% trên chuột cống.


E.coli - loại vi khuẩn có trong phân gây bệnh tiêu chảy

Ngoài ra, trước chùm ca bệnh tiêu chảy cấp xảy ra ở huyện Bình Chánh (với 2 bệnh nhi tử vong, hơn 10 người mắc bệnh), ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trực tiếp tham gia đoàn khảo sát về tận nơi khởi phát ổ dịch tại xã Lê Minh Xuân. Theo ông Nguyễn Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy nước ao hồ ở xã Lê Minh Xuân đã bị nhiễm E.coli, loại vi khuẩn có trong phân, gây bệnh tiêu chảy. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu chính quyền và ngành y tế địa phương phải tích cực tuyên truyền đến các hộ dân đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt nhằm ngăn chặn bệnh.



CTV7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn