Cơ thể của chúng ta vốn quen với áp suất không khí ngang mực nước biển (1 atmosphere) nên mỗi khi áp lực này thay đổi đều ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể. Thính giác là một trong những cơ quan rất nhạy cảm với áp suất không khí, đương nhiên dễ bị tổn thương khi áp lực này tăng hoặc giảm.
Tai giữa là một khoang kín, được ngăn cách với ống tai ngoài bằng một màng mỏng gọi là màng nhĩ. Màng nhĩ có vai trò tiếp nhận âm thanh từ môi trường bên ngoài. Bình thường, áp lực trong tai giữa được cân bằng với môi trường bên ngoài nhờ một ống nhỏ nối liền tai giữa với khoang mũi họng. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp lực trong tai giữa không kịp cân bằng với môi trường bên ngoài nên các triệu chứng xảy ra. Biểu hiện thường cả ở hai tai với các triệu chứng như ù tai, cảm giác khó chịu ở tai, giảm hoặc mất hẳn thính lực. Nếu sang chấn kéo dài, có thể thấy tai đau dữ dội, cảm giác đè chặt hai tai như khi lặn sâu, nghe tiếng ong ong, chóng mặt, mất thăng bằng như say sóng, nôn mửa, thậm chí chảy máu tai, mất hẳn thính lực.
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây sang chấn tai do áp lực như lặn sâu có bình dưỡng khí, bị tát hoặc bị đánh mạnh vào tai, đứng quá gần những tiếng nổ lớn… Triệu chứng của sang chấn tai do chênh áp cũng xảy ra khi đi thang máy lên những toà nhà cao tầng, leo núi hoặc chơi những môn thể thao như tàu lượn…
Chấn thương tai do áp lực cũng xảy ra ở trẻ em do ống thông giữa tai giữa và khoang mũi họng có kích thước nhỏ, ở người bị cảm lạnh, đang bị viêm xoang hoặc viêm khoang mũi họng, viêm ống thông tai giữa và khoang mũi họng, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa, ngủ say khi máy bay cất và hạ cánh, tổn thương tai trong... Tất cả các yếu tố này đều gây hẹp tắc ống thông tai giữa và khoang mũi họng dẫn đến áp suất trong tai giữa không được cân bằng với môi trường ngoài.
Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp lực trong tai giữa không kịp cân bằng với môi trường bên ngoài nên các triệu chứng xảy ra. Nếu sang chấn kéo dài, có thể thấy tai đau dữ dội, nghe tiếng ong ong, chóng mặt, mất thăng bằng như say sóng, nôn mửa, thậm chí chảy máu tai, mất hẳn thính lực. |
Cách xử trí và phòng ngừa
Những động tác đơn giản như ngáp, nuốt, nhai kẹo cao su… có thể giúp cân bằng áp lực trong tai giữa và khoang máy bay giúp cho tai không bị tổn thương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, vẫn cần có sự can thiệp của thầy thuốc.
Khi triệu chứng xảy ra, có thể uống các thuốc giảm đau, chống viêm, kháng dị ứng theo đơn của thầy thuốc. Người bệnh cũng được hướng dẫn một phương pháp giúp mở ống nối tai giữa và khoang mũi họng (còn gọi là nghiệm pháp Valsalva): người bệnh lấy tay bịt mũi, ngậm miệng lại và thở mạnh ra, đẩy khí lên phía mũi cho tới khi nghe tiếng "ục" nhẹ ở hai tai là được. Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật cũng được áp dụng để vá màng nhĩ bị rách nhiều, dẫn lưu dịch hoặc máu trong tai giữa... để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh thính lực.
Có một số biện pháp dự phòng sang chấn tai do áp lực. Trước khi máy bay cất cánh
và hạ cánh, nên nuốt nhiều, hoặc nhai kẹo cao su. Nếu triệu chứng xảy ra, có thể làm nghiệm pháp
Valsalva như đã mô tả ở trên. Nếu có các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, nhất thiết phải được
điều trị bằng các thuốc chống viêm, kháng dị ứng, các thuốc chống tắc nghẽn... để mũi họng được
thông thoáng. Nên uống đủ nước, không uống rượu bia khi đi máy bay. Không nên ngủ lúc máy bay cất
cánh, hạ cánh. Cũng có thể dùng bông gòn nút tai khi cần.
Bình luận của bạn