Khổ vì "mập mờ" giới tính

Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân - thời gian qua bệnh viện đã phẫu thuật cho nhiều ca có giới tính lộn xộn: nói là nam cũng được mà nữ cũng được. Trong y khoa gọi những trường hợp này là lưỡng giới giả ở nữ, lưỡng giới giả ở nam. Đa số người có giới tính lộn xộn đều không biết giới tính thật của mình.


Êkip bác sĩ Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Hùng Vương thực hiện ca phẫu thuật cắt tử cung và tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân sáng 14/10 - Ảnh: Thanh Đạm

Xin vẫn là đàn ông

"Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trung bình một năm mổ 250-400 ca dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục. Có những dị tật bẩm sinh lỗ tiểu thấp ở trẻ trai dễ gây lầm lẫn là trẻ gái nên được khai sinh là con gái. Có những trường hợp trẻ là gái nhưng do tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh nên âm vật bị to lên như dương vật nên bị lầm là nam."

PGS. TS. BS Lê Tấn Sơn

Sáng 14/10, PGS Vũ Lê Chuyên cùng TS.BS Nguyễn Văn Ân - trưởng khoa niệu A, bác sĩ Trà Anh Huy - khoa niệu A Bệnh viện Bình Dân, và bác sĩ Nguyễn Đặng Quang - Bệnh viện Hùng Vương - thực hiện ca mổ cắt tử cung, buồng trứng và làm lại cơ quan sinh dục theo hướng nam giới cho bệnh nhân P.Đ.T. (45 tuổi, Lâm Đồng).

Ca mổ kéo dài bốn tiếng nhằm giúp cơ quan sinh dục ngoài của bệnh nhân hoàn thiện hơn theo mong muốn vẫn được là đàn ông của bệnh nhân này. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ của bệnh viện Bình Dân, Hùng Vương và Nhi Đồng 2 đã hội chẩn và xác định đây là trường hợp lưỡng giới giả thể nữ.

Theo PGS Vũ Lê Chuyên, từ khi sinh ra bệnh nhân T. sống với giới tính nam. Người này có vợ và sống bình thường với công việc làm rẫy. Gần đây, tự nhiên ông T. đi tiểu ra máu nên mới đến Bệnh viện Bình Dân khám.

Ông T. được bác sĩ cho siêu âm, chụp CT scanner để kiểm tra xem có sỏi hay bướu ở đâu không. Qua đó, bác sĩ mới phát hiện ông T. có buồng trứng và tử cung. Bệnh nhân được chuyển qua khám ở Bệnh viện Hùng Vương và được xác định nguyên nhân đi tiểu ra máu là do bị u xơ tử cung xuất huyết.

Sau khi làm xét nghiệm chuyên sâu hơn thì thấy bệnh nhân mang nhiễm sắc thể XX (nhiễm sắc thể nữ), có tử cung, buồng trứng nhưng do tăng tiết tuyến thượng thận nên bị nam hóa từ lúc mới sinh, toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài của bệnh nhân lại có hình thái là nam (nhưng không bình thường) và sống cuộc đời nam giới từ nhỏ đến nay. Nếu không có biến cố u xơ tử cung khiến bệnh nhân T. bị ra huyết âm đạo thì không ai biết người này là nữ giới.

Khi biết mình là nữ, ông T. rất ngạc nhiên nhưng vẫn có nguyện vọng được sống bình thường là đàn ông như 45 năm qua. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ những bộ phận sinh dục trong là buồng trứng, tử cung. Còn dương vật có kích thước chấp nhận được nên các bác sĩ chỉ làm hoàn chỉnh bộ phận này cho bệnh nhân T.. Về vấn đề tăng tiết tuyến thượng thận khiến lượng kích thích tố nam trong cơ thể bệnh nhân T. cao thì bác sĩ vẫn duy trì hiện trạng này.

Ba nguyên nhân chính

Về những người sinh ra có giới tính bị lộn xộn, PGS Vũ Lê Chuyên cho biết có ba nguyên nhân chính.

Một là trẻ có bất thường nhiễm sắc thể giới tính. Bình thường nhiễm sắc thể giới tính nữ là XX và nam là XY. Tuy nhiên, đôi khi trong quá trình phân bào để tượng hình thai nhi lại có những bất thường khiến trẻ sinh ra đời không mang nhiễm sắc thể giới tính bình thường (XX hoặc XY).

Nguyên nhân thứ hai là trong thời kỳ mang thai người mẹ uống loại thuốc nào đó không phù hợp, khiến bộ phận sinh dục của trẻ không nghe lệnh buồng trứng hay tinh hoàn (tinh hoàn và buồng trứng có vai trò quyết định cơ quan sinh dục ngoài - PV) khiến âm vật thành dương vật, biến môi nhỏ thành bìu. Có những thuốc người bán bảo đảm uống vào sinh con trai hay con gái nhưng coi chừng khi uống có thể sẽ xảy ra lộn xộn giới tính ở trẻ.

Nguyên nhân thứ ba là trẻ sinh ra bị tăng tiết tuyến thượng thận bẩm sinh khiến trẻ từ nữ biến thành nam; hoặc do rối loạn tổng hợp androgen có thể làm giảm sự phá triển giới tính nam đưa đến nam hóa không hoàn toàn của thai, khiến trẻ từ nam biến thành nữ... Ngoài ra, còn những yếu tố tác động khác có thể gây giới tính lộn xộn như nhiễm chất độc da cam, nhiễm xạ, từ tính...

Theo PGS.TS.BS Lê Tấn Sơn - trưởng bộ môn ngoại nhi Đại học Y dược TP.HCM, trưởng khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - người tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, Hùng Vương cho bệnh nhân P.Đ.T. thì dị tật cơ quan sinh dục chủ yếu xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.

Còn một dạng nữa, hình thái cơ quan sinh dục hoàn toàn là nữ nhưng khi trẻ bị sa ruột (thoát vị bẹn), lúc mổ bác sĩ lại phát hiện tinh hoàn, đây là trường hợp tinh hoàn bị nữ hóa. Những trường hợp này có ngoại hình là nữ nhưng nhiễm sắc thể là nam. Để xử trí, bác sĩ sẽ cắt bỏ tinh hoàn và đứa trẻ vẫn sống bình thường là nữ, nhưng sau này không thể có con do chỉ có âm đạo mà không có tử cung, buồng trứng.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin