Khoa Nhi BV Bạch Mai giải trình vụ bé 8 tuổi tử vong

Khoa Nhi BV Bạch Mai giải trình vụ bé 8 tuổi tử vong

Vụ trẻ 5 tháng tuổi tử vong sau tiêm thuốc “hàng ngày”: Bộ Y tế yêu cầu báo cáo

Thai phụ nhịp tim 100 lần một phút có nguy hiểm?

Cắt khối u nang ống mật chủ khổng lồ cho bệnh nhi Lào

Trẻ tự kỷ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa

Chiều 31/3, gia đình bệnh nhi T.N.M (8 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) đã có buổi làm việc với đại diện khoa Nhi (BV Bạch Mai) do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trực tiếp trả lời những băn khoăn về ca tử vong của bé M.

Chị Nguyễn Thị Thúy Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), mẹ bé M cho biết trước khi điều trị tại BV Bạch Mai, bé M cũng đã được điều trị tại BV Nhi Trung ương vì bệnh viêm cầu thận, hội chứng thận hư.

“Cuối tháng 1/2015, tôi đưa con đi khám tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) và cũng được chẩn đoán hội chứng thận hư. Tại đây, con được truyền Solu medrol giống BV Nhi Trung ương đã điều trị trước đó, nhưng liều lượng cao hơn nhiều lần. 

BV Nhi truyền Solu medrol 125mg thì ở đây truyền Solu medrol 500mg và truyền 2 lần/ngày. Bác sĩ giải thích đây là phác đồ điều trị của thế giới nên kết thúc đợt điều trị lần thứ nhất, ngày 2/3 tôi đưa con vào viện để tiếp liệu trình điều trị lần hai”, chị Vinh nói.

Theo lời kể của chị Vinh, ngày 13/6, cháu M bị đau bụng bác sĩ đã khám và chỉ định theo dõi tiếp. Tuy nhiên 2 ngày tiếp theo, cơn đau vẫn không hề thuyên giảm, bé kêu đau liên tục, gia đình xin bác sĩ cấp cứu cho cháu nhưng sau khi siêu âm, bác sĩ nói không phát hiện bất thường nên chỉ cho giảm đau và uống an thần.

“Đến ngày Chủ Nhật (15/3), khi hội chẩn, bác sĩ trưởng khoa cũng nói bệnh nhân không thể chết vì đau bụng. Cuối cùng, đến sáng 16/3 khi M tiểu ra máu bác sĩ lại chỉ định chụp cắt lớp, siêu âm nhưng không cho thuốc điều trị. Đến 12h đêm cùng ngày, bác sĩ trực phát hiện con suy hô hấp, chuyển ra cấp cứu nhưng con đã không qua khỏi”, chị Vinh nhớ lại quá trình điều trị.

Mẹ của bệnh nhi cho rằng, nếu các bác sĩ cấp cứu ngay khi cháu đau bụng thì không đến nỗi cháu phải ra đi đột ngột như vậy và gia đình cũng không hiểu được vì sao con lại bị tử vong như vậy.

Nói về ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng  cho biết: “Bệnh nhi mắc chứng thận hư thứ phát, kèm theo viêm mao mạch dị ứng nên không đáp ứng với thuốc điều trị, được chúng tôi chẩn đoán hội chứng thận hư kháng thuốc và tiên lượng nếu không có diễn biến bất thường thì quá trình điều trị cũng phải rất lâu dài, khó khăn. Do bệnh nhân không đáp ứng thuốc nên phải thay đổi phác đồ mới. 

Đợt này bệnh nhân được dùng một loại thuốc truyền tĩnh mạch liều cao. Bệnh nhi đã được truyền 2 đợt. Sau khi truyền hai đợt thuốc, có lúc tình trạng bệnh thuyên giảm, xét nghiệm protein (đạm) nước tiểu âm tính, nhưng sau đó lại xuất hiện tình trạng đái ra protein”, PGS Dũng cho biết.

Khi bệnh nhi xuất hiện đau bụng, các bác sĩ cũng nghĩ ngay đến nguy cơ nguy hiểm như viêm phúc mạc (tiên phát - do biến chứng của bệnh) hoặc thứ phát (như do ruột thừa) nên vừa điều trị bệnh, vừa theo dõi để chẩn đoán nguyên nhân bằng thăm khám và siêu âm bụng, chụp cắt lớp (CT) ổ bụng.

“Hình ảnh siêu âm, chụp CT cũng không phát hiện tình trạng viêm phúc mạc, cũng không phát hiện viêm ruột thừa. Khám lâm sàng bệnh nhân không sốt, bụng không cổ trướng nên bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và tìm nguyên nhân.

Đau bụng do nguyên nhân rối loạn tiêu hóa được nghĩ đến bởi bệnh nhân xuất hiện tình trạng táo bón và được tháo thụt, cho uống thuốc chống táo bón và tình trạng đau bụng có đỡ hơn. Tình trạng đau bụng, đi ngoài ra máu cũng là là biểu hiện chung nằm trong bệnh lý này”, TS Dũng nói.

Tuy nhiên đến đêm 16/3, bệnh nhân đột ngột xuất hiện cơn đau ngực, khó thở, ho ra máu. Ngay lập tức các bác sĩ đã cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, cho dùng các thuốc nâng mạch, huyết áp. Ngay sau khi cấp cứu, bệnh nhân cũng được tiến hành chụp X - quang phổi, cho thấy hình ảnh phổi phải mờ gần như toàn bộ. Bệnh nhân tử vong rạng sáng ngày 17/3 dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa.

Trước băn khoăn của gia đình người bệnh cho rằng bệnh viện không tìm ra nguyên nhân đau bụng khiến bệnh nhi tử vong, do bác sĩ không chỉ định thêm thuốc điều trị đau bụng, không chú trọng theo dõi trong những ngày cuối... TS Dũng khẳng định: “Bệnh nhân không tử vong vì nguyên nhân đau bụng, mà bệnh nhân bị tử vong vì tắc mạch phổi cấp. Bệnh nhân vẫn được theo dõi suốt trong quá trình điều trị. Điều này thể hiện trên bệnh án trong những ngày đau bụng, bệnh nhân được theo dõi bằng siêu âm, chụp phim và loại trừ nguyên nhân viêm phúc mạc, ruột thừa, dùng thuốc chống táo bón, tháo thụt...”.

“Việc gia đình thắc mắc, bác sĩ siêu âm, chụp CT ổ bụng mà không đưa ra phác đồ điều trị, là do tại thời điểm kiểm tra kết quả không phát hiện bất thường, không có biến chứng, chưa có diễn biến nặng nên không thể kê thuốc. Vì nếu bệnh nhân có viêm phúc mạc thì chỉ có thể mổ hoặc điều trị nội khoa bằng kháng sinh, nhưng thời điểm đó hình ảnh siêu âm, chụp CT ổ bụng không phát hiện bệnh nhân viêm phúc mạc”, TS Dũng tiếp tục giải thích.

“Bệnh nhi tử vong vì tắc mạch phổi. Đây là một diễn biến bất ngờ, nguy hiểm và vô cùng hiếm gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng thận hư. Nếu chỉ đơn thuần là tắc mạch chi, mạch máu nhỏ thì can thiệp y tế có hiệu quả, nhưng khi tắc mạch ở 3 vị trí gồm não, phổi, mạch vành, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức. Y văn thế giới còn gọi bệnh lý tắc mạch phổi là biến chứng gây chết người”, TS Dũng nói.

Vị trưởng khoa này cũng dẫn chứng bằng chứng bệnh nhân tử vong do tắc mạch phổi, bởi trước đó bệnh nhi chỉ có dấu hiệu đau bụng và được theo dõi, không hề có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp. Thế nhưng từ thời điểm suy hô hấp, tức ngực, ho ra máu đến khi cấp cứu đặt nội khí quản thở máy xong xuôi, chụp X - quang thì đã mờ trắng gần hết phổi.

PGS Dũng cho biết, trong bệnh lý tắc mạch phổi, bệnh nhân diễn biến nhanh chóng, biểu hiện cơn đau ngực (cũng có bệnh nhân không đau ngực), xỉu, choáng ngay lập tức. Mạch, huyết áp tụt, tim nhanh lên và suy hô hấp. Nguyên nhân là do máu không lên được phổi, không được trao đổi khí. Khi chụp phim thấy phổi mờ đi rất nhanh và nguy cơ tử vong rất nhanh vì máu không lên được phổi.

“Đã nỗ lực, đã cố gắng vì người bệnh nhưng là bệnh lý nguy hiểm, không cứu được bệnh nhi, chúng tôi cũng rất buồn, rất chia sẻ với gia đình bệnh nhi. Nhưng về quy trình chuyên môn, bệnh nhi được theo dõi chặt chẽ, điều trị liên tục như người nhà đã thấy, chúng tôi siêu âm, làm CT ổ bụng... Sau khi kiểm thảo tử vong, bệnh án chúng tôi đã nộp cho phòng y vụ. Gia đình có đề nghị được xem bệnh án, tôi thành thật, về mặt tình cảm chúng tôi có thể cho gia đình xem nhưng về pháp luật, chúng tôi không được phép. Hồ sơ bệnh án đã được gửi ở phòng y vụ, nếu gia đình có nhu cầu xem hoàn toàn có thể đăng kí theo trình tự, đúng pháp luật”, TS Dũng nói.

Đại diện khoa Nhi cho biết: “Khoa cũng rất chia sẻ với nỗi đau của gia đình khi cháu bệnh trọng, không thể qua khỏi. Nhưng bác sĩ chúng tôi đã nỗ lực hết sức, làm hết khả năng có thể, điều trị trọn vẹn với cái tâm của thầy thuốc nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi vì quá nặng, chúng tôi rất chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình bệnh nhi. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với gia đình, giải thích để người nhà hiểu rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi”. 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin