Không đủ cơ sở để kết luận do vắc-xin

Sáng 11/7, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã họp hội đồng khoa học lần thứ hai để đánh giá phản ứng sau tiêm chủng, việc sử dụng vắc-xin sinh phẩm và phân tích nguyên nhân để đưa ra kết luận cuối cùng về trường hợp tử vong của nạn nhân Đặng Kim Chi (18 tuổi, ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tạm trú tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) có liên quan đến phản ứng sau tiêm vắc-xin Cervarix tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.9

Tại cuộc họp, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết, khi mổ tử thi, các bác sĩ nhận thấy não bộ sung huyết, chảy máu trong cơ nền cổ hai bên, niêm mạc khí phế quản sung huyết và xuất huyết rải rác, lòng khí phế quản chứa nhiều dịch bọt đỏ hồng. Hai lá phổi phù nề nặng và xuất huyết dạng đám rải rác. Khi tiến hành giải phẫu tim, nhận thấy ngoại tâm mạc phù nề và có đám xuất huyết ở tâm thất trái. Ngoài ra, tử cung, gan, lách, thận và các tạng khác bên trong đều sung huyết.


Biên bản khám nghiệm tử thi kết luận bệnh nhân tử vong do phù phổi cấp

BS Phan Văn Hiếu báo cáo: "Kết quả nhuộm hóa mô miễn dịch mẫu mô khí quản và phổi của nạn nhân Đặng Kim Chi không đủ cơ sở để kết luận bệnh nhân tử vong do bị sốc phản vệ vì vắc-xin. Xét nghiệm độc chất định lượng propranolol trong mẫu máu, nước tiểu và dịch dạ dày trên máy sắc ký lỏng ghép khối phổ cho thấy, propranolol trong máu đến 26,185mg/lít, propranolol trong nước tiểu là 8,678mg/lít, propranolol trong dịch dạ dày 89,682mg/lít. Trong khi nồng độ propranolol gây chết, trong máu 14-16mg/lít, trong nước tiểu là 0,9-2mg/lít, trong dạ dày là 85-320mg/lít". Cuối cùng, hội đồng khoa học đã kết luận bệnh nhân chết do phù phổi cấp. Mẫu vắc-xin Cervarix (thuộc lô AHBVA 173AE) không phát hiện bất thường.

Một bác sĩ cho rằng, có thể sau khi chích vắc-xin, bệnh nhân cảm thấy mệt đã uống thuốc điều trị tim mạch có chứa hoạt chất propranolol khiến ngộ độc propranolol.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn