Nhiều bệnh nhi đang chữa bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo đại diện Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong 3 năm qua số bệnh nhân sởi tại TP Hồ Chí Minh tăng đột biến. Đến thời điểm này, đã có 25 ca sởi nặng phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cao gấp 3 lần ngày thường. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết: "Hiện tại khoa có hơn 30 trẻ đang nằm viện điều trị sởi. Bình thường chỉ có vài ba ca trẻ phải nhập viện để điều trị bệnh này". Còn bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2) thì thông tin, hiện tại khoa có 24 bé đang nằm viện điều trị sởi, chiếm ¼ trên tổng số ca bệnh nhiễm, trong đó có 5 trường hợp sởi nặng bị biến chứng sang phổi. "Lượng bệnh nhi bị sởi như vậy là rất đông so với mọi năm. Thông thường khoa này chỉ có 2-3 ca sởi phải nhập viện điều trị", bác sĩ Nam nói. Theo nhận định của nhiều bác sĩ, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh sởi trên trẻ em có thể là do cha mẹ không tiêm ngừa đầy đủ khi bé được 9 tháng tuổi và không tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đặc biệt, do thời gian gần đây, các bậc phụ huynh lo sợ rủi ro nên không cho trẻ tiêm ngừa. Nếu tình hình này còn kéo dài thì nguy cơ bệnh sẽ lây lan nhanh không chỉ trong phạm vi thành phố.
Không chỉ bệnh sởi bất thường, theo cảnh báo của nhiều bệnh viện như Bệnh viện Nhi đồng 1, 2; Bệnh viện Trưng Vương, bệnh thủy đậu trên trẻ em bắt đầu có dấu hiệu gia tăng tại TP Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ trong 10 ngày đầu tháng 2, số trẻ đến khám vì mắc bệnh thủy đậu tăng lên đến 462 ca. Tính từ đầu tháng 1 đến thời điểm này, đã có 28 ca nhập viện điều trị. Điều bất thường, bệnh thủy đậu bắt đầu tăng từ giữa tháng 12/2013 dù chưa phải mùa bệnh. Đáng lo hơn, cao điểm của bệnh thủy đậu thường rơi vào tháng 3 và tháng 4. Trong khi đó, theo nhiều cha mẹ bệnh nhi, khi đi tiêm ngừa thủy đậu cho con tại các cơ sở y tế đều được thông báo đã hết vắc xin thủy đậu 3, 4 tháng nay và chưa biết khi nào mới có. Ngay cả tại Viện Pasteur thành phố cũng hết vắc xin ngừa thủy đậu.
Trước tình hình đáng lo ngại trên, các bác sĩ cho hay, cha mẹ hay thân nhân cần hết sức cẩn trọng theo dõi trẻ. Nếu phát hiện bị bệnh thủy đậu nên cho bệnh nhân uống thuốc giảm ngứa, hạ sốt và chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sĩ kê đơn. Trường hợp nặng thì phải nhập viện ngay. Đặc biệt, cần cách ly người bệnh ít nhất một tuần để tránh lây lan, phụ nữ đang mang thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh này.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn