Mùi tanh trong sữa có thể gây hại

Sữa có mùi tanh la do DHA

Mới đây chị Nguyễn Thu Vân (ngụ ở đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) ra ngoài cửa hàng sữa chọn mua một hộp sữa bầu để sử dụng, nhưng khi uống vào chị thấy có mùi tanh, không sử dụng được, đành chuyển sang một loại sữa bột ngoại khác dành cho phụ nữ mang thai thì chị lại không thấy mùi tanh và dùng được.


Chị Vân cho biết, lúc đầu dùng một hộp sữa bột nội thấy có mùi tanh, chị nghĩ chắc do mình bị nghén nên thấy tanh, nhưng khi đã hết nghén chị uống vào vẫn cảm thấy tanh. Chị đem điều này tâm sự với một số người đã từng mang bầu trước đó, họ khuyên chị nên đổi sang sữa khác. Không ngờ, khi chị chuyển sang loại sữa này uống không còn cảm thấy tanh nữa.

“Tui không biết tại sao có sữa có mùi tanh, có sữa thì không có mùi tanh. Điều này không biết họ có bổ sung thêm hương liệu hay dưỡng chất gì không?”, chị Vân thắc mắc.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu nói trong sữa bột bị tanh thì chỉ có DHA. Bởi DHA được chiết suất từ mỡ cá, có thể gây ra mùi tanh.

Tuy nhiên, tại sao cùng có DHA nhưng có sữa có mùi tanh, có sữa không có mùi tanh, bác sĩ Lê Mỹ, phó trưởng phòng quản lý chất lượng, Công ty TNHH MTV Việt nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết, DHA ở những sản phẩm sữa ngoại thường có mùi rất nhẹ nên không phát hiện được mùi tanh, còn DHA trong các sản phẩm sữa nội thường có mùi tanh, có người khó uống.

“Thường DHA được chiết suất từ mỡ cá, nhưng không phải mở cá nào cũng có DHA, phải là cá ở những vùng biển sâu và được chưng cất mới lấy được DHA. Ở các nước phát triển, công nghệ chưng cất hiện đại, họ tách được hoàn toàn DHA để bổ sung vào sữa hoặc các loại thực phẩm khác nên không có mùi tanh. Trong khi đó, nếu công nghệ chưng cất lạc hậu, không tách được DHA tinh khiết mà còn kèm theo những tạp chất nên có mùi khá tanh. Do đó, khi bổ sung vào sữa hay những sản phẩm khác, người sử dụng sẽ cảm nhận được mùi tanh đó”, bác sĩ Mỹ lý giải.
Theo bác sĩ Lê Mỹ, nguyên liệu DHA rẻ tiền ở các nước trong khu vực hoặc Trung Quốc, có độ tinh khiết kém hơn DHA xuất xứ từ Châu Âu hay Mỹ.

Quá trình chiết xuất DHA nếu dùng công nghệ lạc hậu thì nguy cơ lẫn tạp chất, nhiễm axit béo không mong muốn và nhiễm kim loại nặng của thiết bị sản xuất nên không khử được mùi tanh.
“Chính những DHA còn lẫn tạp chất này, đem bổ sung vào sữa, người sử dụng sữa không chỉ cảm nhận mùi tanh mà còn có nguy cơ nhiễm tạp chất trong quá trình chiết xuất với công nghệ cũ. Nếu sử dụng lâu ngày những thực phẩm có DHA này thì cơ thể sẽ bị nhiễm kim loại và tích tụ vào các mô gây ra ngộ độc mạn tính”, bác sĩ Mỹ nói.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn