Phình động mạch - “bom hẹn giờ” trong não

Đột quỵ có thể xảy ra với người trung tuổi và nguyên nhân thường là chứng phình động mạch não. Thật không may, hầu hết mọi người không nhận thức hết được sự nguy hiểm khi mạch máu phình quá mức và vỡ ra, gây hậu quả khó khắc phục. May mắn là so với nhiều năm trước, y học đã có giải pháp can thiệp sớm.



Cẩn thận với người huyết áp cao

Người ta ước tính rằng cứ 100 người thì có 1 đến 2 người có chứng phình động mạch não. Nguy cơ cao nhất là những người ở độ tuổi 40 đến 60. Cùng với gene di truyền, người hút thuốc và người bệnh cao huyết áp lâu ngày không kiểm soát được xếp vào nhóm có nguy cơ cao.

Phình động mạch não là bệnh lý dị dạng mạch não. Khi mạch máu "có vấn đề", chúng phát bệnh chủ yếu theo hai cách: Một là - thu hẹp mạch do mỡ bám theo thành mạch, cản trở lưu thông máu, dễ gây ra một cơn đau tim; Hai là - mạch máu phình to, lớn hơn đường kính vốn có, gọi là chứng phình mạch. Chứng phình động mạch phổ biến nhất là mạch máu liên quan đến não. Một số đoạn phình mạch này nhỏ và ổn định kích thước. Tuy nhiên, đối với một nhóm đáng kể bệnh nhân, chúng phát triển theo thời gian, đặc biệt là những người huyết áp cao. Và một ngày, động mạch phình đến độ có thể bị vỡ, giống như một quả bóng sắp nổ nếu tiếp tục thổi không khí vào.

Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người bị phình động mạch não có biểu hiện triệu chứng thần kinh cụ thể. Hầu hết mọi người chỉ phát hiện ra khi đoạn mạch phình bị vỡ, xuất huyết não. Xảy ra sự cố này, phần lớn các trường hợp không qua khỏi, trong khi một bộ phận khác chịu hậu quả là khuyết tật nặng hoặc không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn.

Có thể can thiệp sớm

Nếu như một vài năm trước, người bị chứng phình động mạch hầu hết là nhập viện cấp cứu vì vỡ mạch thì ngày nay một số lượng đáng kể bệnh nhân được điều trị ở tình trạng không khẩn cấp, tức là chứng phình động mạch chưa vỡ. Việc chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp phát hiện sớm chứng phình động mạch này.

Công nghệ tốt hơn và nhận thức đầy đủ hơn đã khiến cho việc điều trị gặp nhiều thuận lợi. Bệnh nhân có nguy cơ cao giờ có thể lựa chọn điều trị sớm để tự cứu sống mình và ngăn ngừa đột quỵ. Bệnh nhân phình động mạch não hiện giờ được áp dụng công nghệ mà 20 năm trước không có, đó là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu gọi là thuyên tắc nội mạch (Endovascular). Đầu tiên, bác sỹ phẫu thuật rạch một vết nhỏ không đến 1cm tại vùng háng, sau đó có thể can thiệp vào bất kỳ mạch máu não nào, tức là xử lý trực tiếp tại đó mà không cần mở hộp sọ.

Manish - bác sĩ quang tuyến can thiệp với nhiều năm kinh nghiệm về phương pháp Xquang xâm lấn tối thiểu tại Trung tâm Thần kinh học, Bệnh viện Raffles, Singapore cho biết, áp dụng kỹ thuật này, bệnh nhân có thể đi bộ về nhà sau 1-2 ngày làm phẫu thuật. Hiệu quả của thuyên tắc nội mạch được ví như phương pháp đặt ống stent đã cách mạng hóa việc điều trị mạch máu ở tim.

Một câu hỏi thường gặp là kích thước điểm phình động mạch là bao nhiêu thì cần can thiệp? Đoạn phình mạch dài đến 1cm thì cần phải điều trị khẩn cấp, nhưng cũng có trường hợp điểm phình chỉ một vài milimét cũng có khả năng gây chết người. Kinh nghiệm của bác sỹ Manish cho thấy, bệnh nhân ở Anh, Canada và Mỹ thường quyết định phẫu thuật khi chứng phình mạch đạt kích thước 7mm, nhưng thể trạng người châu Á nhỏ hơn nên kích thước cần điều trị có lúc nhỏ hơn. Tuy nhiên, mỗi người mỗi khác, nên quan trọng là phải biết chọn đúng thời điểm cần tháo "bom hẹn giờ" trong não trước khi quá muộn.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin