Rau an toàn khó an toàn
Trong vai thương lái muốn mua một lượng lớn rau để mở cửa hàng tiêu thụ ở Hà Nội, phóng viên tìm về vùng rau an toàn Đại Lan (xã Duyên Hà) và Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), nhiều người dân trong vùng lắc đầu nói: "Làm gì có rau sạch mà buôn !".
Ở Thọ Lộc, người nông dân tên Quang lấy dẫn chứng : "Ở đây hàng trăm hộ làm rau, hợp tác xã có vài người, làm sao biết được hộ này phun thuốc hôm nào, hộ kia phun thuốc hôm nào mà giám sát. Tôi phun hôm nay, mai tôi thu ai biết được, mà không phun thì sâu ăn hết".
Anh này còn mách mối cho phóng viên, nếu muốn có rau sạch thực sự thì tập trung lấy khoảng chục hộ, ký hợp đồng với các hộ, yêu cầu cam kết rau an toàn thì may ra mới có rau sạch. Vẫn theo người nông dân này, sản phẩm bị phun thuốc trừ sâu nhiều nhất là đậu đũa, dưa chuột.
Nhà ở vùng trồng rau an toàn nhưng bà Tâm (xã Duyên Hà) vẫn tự trồng rau để gia đình sử dụng. Bà Tâm kể: "Cô nói thật, ở đây cứ rao là rau sạch nhưng thực tế họ mua ở ngoài rồi đem về chứ có phải là nhà họ sản xuất đâu".
Bà cho biết thêm quy trình giám sát sản xuất rau an toàn không chặt chẽ. Việc quản lý phun thuốc, bón phân khá lỏng lẻo, HTX chỉ pha thuốc cho các hộ nông dân, người dân tự phun và thu hoạch. Có người phun hôm nay, lẽ ra phải cách ly năm ngày mới được thu hoạch nhưng ngay ngày mai đã thu hoạch rồi.
Một người nông dân khác cho biết, thuốc sinh học thì nhanh được thu nhưng sâu không chết ngay. Phun hôm nay có khi ngày mai, ngày kia sâu mới chết. Nhiều hộ vẫn lén dùng thuốc hóa học để đảm bảo hiệu quả nhanh.
Theo nhiều người dân khác ở xã Duyên Hà, thị hiếu của thị trường vẫn là rau tươi, non. Bón đạm xong theo quy trình khoảng 10 ngày mới được thu nhưng đợi đến 10 ngày thì rau già mất rồi, bán sẽ mất giá nên nhiều hộ 4-5 ngày đã thu hoạch. "Nói chung nhiều hộ vẫn phải trồng riêng một khoảng rau để nhà ăn", một người dân nói.
An toàn dựa vào... ý thức tự giác
HTX Đại Lan (xã Duyên Hà) có diện tích trồng rau an toàn 52,24 ha. Hỏi về quy trình giám sát sản xuất rau an toàn, ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX Đại Lan cho biết, ngoài cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ Thực vật tuần hai lần xuống hướng dẫn thì HTX cử ra tám nhóm trưởng, mỗi nhóm phụ trách 25-30 hộ dân. Các nhóm trưởng cũng là những hộ nông dân trồng rau, vài ngày xuống đồng ruộng quan sát tình hình sản xuất của bà con.
Làm thế nào để một người giám sát vài chục hộ, nhất là việc nắm được thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, có ghi chép gì không? Ông Thắng cho biết không có ghi chép gì cả.Vài ngày một lần các nhóm trưởng đi dạo đồng xem hôm nay các hộ trồng cây gì, bón phân gì, phun thuốc gì. Giám sát thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật bằng cách người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải cắm biển trên ruộng, trong đó ghi rõ phun thuốc vào ngày giờ nào.
Tuy nhiên, hai lần phóng viên về vùng rau sạch Đại Lan thấy nhiều nông dân không cắm biển sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Chiều 26/9 nhiều hộ dân phun thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là cải, đậu sắp đến ngày thu hoạch. Quan sát liên tục trong một giờ đồng hồ thấy, sau khi phun thuốc, người dân đi về, không cắm biển, cũng không có ai đi giám sát, ghi chép hay cắm biển. Quan sát khắp vùng sản xuất rau Đại Lan chiều 26/9 cũng không hề thấy bất kỳ một biển báo phun thuốc nào cả.
Không ghi chép làm sao giám sát được quy trình sản xuất của người dân? Ông Thắng cho biết, tự bản thân người dân phải giám sát lẫn nhau, ý thức tự giác là chủ yếu.
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội, việc giám sát rau quy trình sản xuất rau an toàn gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn thường xuyên cho bà con. Hai là cán bộ kỹ thuật của Chi cục, vừa đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật vừa làm công tác giám sát sản xuất. Mỗi cán bộ phụ trách từ 20-25ha. Hàng tuần, phải viết thông báo hướng dẫn kỹ thuật đồng thời xuống địa phương từ 2-3 lần để giám sát quy trình sản xuất của người dân.
Ông Hồng Anh cho rằng, cán bộ giám sát không thể ăn ngủ cùng bà con 24/24 được nên việc đảm bảo quy trình sản xuất rau an toàn chủ yếu dựa vào giám sát cộng đồng và thương hiệu. Ngoài vấn đề trang bị kiến thức thì tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất. Người nông dân đang sống bằng nghề rau, phải có trách nhiệm với cộng đồng. Có những vùng nông dân còn giám sát lẫn nhau.
Tuy nhiên, ông Hồng Anh cho biết thêm, từ đầu năm đã
phát hiện hàng trăm hộ vi phạm quy trình sản xuất rau an toàn. Mỗi tháng có vài chục hộ bị lập biên
bản, chủ yếu là các hành vi bón phân tươi (phân tươi không được bón trên rau an toàn - PV), không
đảm bảo cách ly khi thu hoạch. Cũng có những trường hợp dùng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục,
chủ yếu ở vùng giáp ranh như huyện Mê Linh, giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.
Sạch bẩn lẫn lộn Theo ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX Đại Lan, hầu hết rau an toàn của HTX đều do người dân tự tiêu thụ trên thị trường. Giá cả, vì thế bằng với giá của các loại rau khác trên thị trường. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội Nguyễn Hồng Anh, cái khó nhất đối với rau an toàn là chưa có đầu ra ổn định. Mỗi tháng Hà Nội sản xuất ra khoảng 24.000 tấn rau an toàn nhưng hệ thống cửa hàng và điểm phân phối rau an toàn chỉ tiêu thụ được khoảng 30 tấn rau. Toàn thành phố Hà Nội hiện có 12.400 ha đất trồng rau, đáp ứng được gần 60% nhu cầu rau của thành phố. 4.500 ha trong số đó là diện tích trồng rau an toàn |
Bình luận của bạn