Gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người đã xảy ra. Đáng báo động là rượu dỏm, rượu pha hóa chất tràn lan, mỗi ngày người uống nạp độc chất vào người mà không hay biết.
Độc chất cao 1.700 lần
Tình trạng ngộ độc rượu diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Đồng Nai, một vụ ngộ độc rượu xảy ra cách đây chưa lâu khiến 4 người tử vong. Còn tại TP HCM, người dân vẫn chưa quên nỗi ám ảnh ngộ độc rượu dồn dập gần đây làm 9 người thiệt mạng.
Trong khi đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu dỏm tràn lan nhiều nơi. Đầu năm 2013, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam đã kiểm tra, thu giữ hơn 30.000 chai rượu dỏm của một doanh nghiệp tại quận Thủ Đức, TP HCM.
Ngoài số rượu này, đoàn kiểm tra còn phát hiện hàng trăm ký nguyên liệu, phẩm màu, hương liệu quá đát, không rõ nguồn gốc, chưa kể cả tấn bao bì, vỏ hộp, nhãn hiệu rượu các loại.
TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết có 3 loại rượu thường gặp ở các vụ ngộ độc nhất gồm rượu trắng (27,8% số vụ), rượu trắng có hàm lượng methanol cao (30,6%) và rượu ngâm cây rừng độc (16,7%). Người bị ngộ độc rượu chủ yếu ở độ tuổi 15-49. TP HCM là 1 trong 2 địa phương trên cả nước ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu nhất.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc do rượu luôn chiếm khoảng 25%-30% số vụ ngộ độc. Năm 2012, trong số 33 người tử vong do ngộ độc trên cả nước thì 26% là ngộ độc rượu. Cao điểm thường là vào các dịp lễ, Tết, ngộ độc do rượu chiếm đến 25% trường hợp bệnh nặng đang điều trị.
Không tàn cũng phế
Tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Gia Định, Trưng Vương…, số người nhập viện cấp cứu vì rượu không còn là chuyện hiếm. Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy hầu như tuần nào cũng tiếp nhận vài "đệ tử lưu linh" nhập viện do ngộ độc rượu.
Theo bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú BV Tâm thần TP HCM, số bệnh nhân tâm thần do rượu thường chiếm 7%-10% giường bệnh mỗi tháng. Khảo sát của BV này cho thấy bệnh nhân tâm thần do rượu điều trị chủ yếu là những người lao động chân tay, có mức sống thấp, sử dụng rượu giá rẻ, chứa nhiều độc tố. ThS-BS Vũ Đình Thắng - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhân dân 115, TPHCM - cho hay từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc rượu, điều trị hàng chục ca.
Bác sĩ Thắng cho rằng về nguyên tắc, rượu chỉ chứa ethanol có trong các loại bia, rượu vang, rượu đế, rượu mạnh nhập khẩu... Còn rượu có chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester) hoặc cồn công nghiệp (methanol, ethylene glycol, isopropanol…) là rượu độc. Methanol còn gọi là cồn công nghiệp, dùng làm cồn y tế, năng lượng (cồn khô), dung môi (dung dịch lau kính, mực in cho máy photocopy, pha sơn…).
Có 2 loại ngộ độc rượu cần phân biệt: Ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol. Ngộ độc ethanol là phổ biến nhưng ít đe dọa tính mạng, còn ngộ độc methanol dễ gây tử vong. Đặc trưng ở nạn nhân bị ngộ độc methanol là sau khi đã tỉnh thì buồn nôn, đau bụng, rối loạn thị giác, rối loạn ý thức, nhanh chóng hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp.
Theo nhiều chuyên gia y tế, khi uống phải loại rượu có nồng độ methanol cao, hệ thần kinh của nạn nhân bị mất kiểm soát, gan và não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tài liệu y khoa cũng chỉ ra mối liên quan tỉ lệ thuận giữa methanol và sự phát triển của vi khuẩn acinetobacter baumannii gây viêm phổi, viêm màng não và viêm nhiễm hệ bài tiết. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu dù cứu được sinh mạng nhưng phải sống thực vật suốt quãng đời còn lại.
Khó kiểm soát Theo thống kê của cơ quan chức năng, nước ta có gần 330 cơ sở sản xuất rượu quy mô, sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ, sản lượng dưới 1 triệu lít/năm/cơ sở và rất nhiều hộ gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm. Mỗi năm, lượng tiêu thụ rượu của người dân rất lớn. Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu quy định từ ngày 1-1-2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn... Thực tế, hầu hết các lò rượu thủ công đều không quan tâm đến quy định này. Do đó, không có gì bất ngờ khi trên thị trường Việt Nam, hiện có tới 70% rượu không được kiểm tra chất lượng. |
Bình luận của bạn