Tai biến sản khoa: Cẩn trọng không thừa!

Thai phụ cần khám thai định kỳ để hạn chế tai biến sản khoa

Tai biến sản khoa: Ngành y đang dần khắc phục

Phòng chống tai biến sản khoa

Masan khởi động những nước cờ mạo hiểm

Đầu tư sản khoa cứu sống 3 triệu bà mẹ và trẻ em mỗi năm

Tai biến sản khoa luôn rình rập

Dù y học đã có nhiều tiến bộ nhưng tai biến sản khoa vẫn luôn là thách thức đối với ngành y và các bác sỹ. Bác sỹ Lê Thị Kim Dung - Trưởng Khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết: "Tai biến sản khoa xuất hiện ở cả thời kỳ mang thai, lúc chuyển dạ và sau sinh. Trước lúc chuyển dạ, thai phụ có thể bị rong huyết tử cung. Đây là một trong những biến chứng nặng của tình trạng nhiễm độc thai nghén. Tình trạng này xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh, trong một số trường hợp có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con. Vì nhau thai là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi sống từ mẹ sang thai nhi nên khi nhau bong sớm thì nguồn dinh dưỡng này bị ngưng, nếu không mổ lấy thai kịp thời thì thai nhi sẽ chết".

Một tai biến nguy hiểm khác trong giai đoạn này là nhau tiền đạo. Có thể vì lý do đa thai, viêm niêm mạc tử cung, sinh nhiều lần hay tiền sử nạo phá thai… mà bánh nhau bám thấp xuống vùng eo tử cung và che lấp một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung, cản trở đường ra của thai dẫn đến xuất huyết ồ ạt gây nguy cơ tử vong cả mẹ và con.

Nền y học phát triển nên tai biến sản khoa được hạn chế rất nhiều

Ngoài ra, tai biến vỡ tử cung do sẹo mổ cũ, sang chấn, cơn co tử cung quá mạnh, ngôi thai lệch… cũng vô cùng nguy hiểm. Song hiện nay, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ, tay nghề của bác sỹ được nâng cao nên tai biến sản khoa đã giảm nhiều.

"Điều đáng nói là kể cả khi thai phụ 'thoát' những tai biến nói trên lúc mang thai thì trong lúc chuyển dạ vẫn có thể gặp lại. Với những người có kèm các bệnh lý như suy thận, hẹp van hai lá, bệnh tim… thì nguy cơ tai biến cũng tăng gấp nhiều lần. Thậm chí, ngay sau khi chuyển dạ, thai phụ vẫn có thể gặp những tai biến khác như: thuyên tắc mạch ối, chảy máu, đờ tử cung", bác sỹ Dung khuyến cáo.

50% tai biến diễn ra ở các cơ sở y tế

Theo thống kê của Ban thẩm định tử vong mẹ tại các tỉnh, thành, 9 tháng đầu năm 2014 có 148 ca tử vong mẹ. Trong đó tỷ lệ tử vong mẹ là 56,1 % cao hơn cùng kỳ năm ngoái 36,8 %

Trong tổng số tử vong mẹ, nguyên nhân trực tiếp chiếm 52,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Tử vong mẹ do tai biến trong sản khoa được ghi nhận là 78 ca, giảm 34 ca so với năm 2013. Trong số tử vong do các nguyên nhân trực tiếp, chảy máu vẫn chiếm tỷ lệ cao (53,8%), nhiễm khuẩn chiếm 10,3%, tắc mạch ối chiếm 16,7%, tiền sản giật/sản giật là 12,8%, thấp nhất là vỡ tử cung chiếm 1,3%. Có tới gần 48% tai biến xảy ra tại các cơ sở y tế. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của việc theo dõi sản phụ trước, trong và sau khi sinh của các nhân viên y tế.

Tỷ lệ tai biến sản khoa đang giảm dần trong những năm gần đây

Tỷ suất mắc tai biến sản khoa/1.000 ca đẻ 9 tháng đầu năm 2014 là 3,65/1.000, không giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các vùng có tỷ suất tai biến sản khoa cao so với cả nước là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Các tai biến sản khoa thường gặp vẫn là chảy máu, tắc mạch ối và sản giật.

Thăm khám thai định kỳ có thể giảm tử vong 

Trừ những trường hợp tai biến sản khoa cấp, còn lại một số tai biến đều có thể tiên lượng được nếu như sản phụ đi khám thai định kỳ. phụ nữ trước khi mang thai cần phải khám sức khỏe để biết mình có mắc một số bệnh mạn tính như huyết áp cao, tim, đái tháo đường, suy thận hay không. Đây là những bệnh khiến cho sản phụ có nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén và bị biến chứng sản khoa trong quá trình sinh nở. Vấn đề nghiêm trọng ở đây là vẫn có khoảng 10-20% các sản phụ không khám sức khoẻ, khám thai, chỉ đến bệnh viện khi sinh nở, hoặc khi sinh khó mới chuyển lên viện. 

Một số tai biến sản khoa có thể tiên lượng trước

Theo các bác sỹ chuyên khoa sản, tai biến sản khoa có thể giảm nếu sản phụ tuân thủ khám thai định kỳ để bác sỹ tiên lượng cuộc chuyển dạ, hạn chế tối đa tai biến. Sản phụ không nên chạy theo thị hiếu bản thân. Có rất nhiều sản phụ khi đi khám chỉ đòi siêu âm mà không biết rằng có những xét nghiệm khác còn quan trọng hơn như đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu hay kiểm tra tim mạch

Ngoài ra, đa số các sản phụ chỉ đi siêu âm định kỳ, khi nhìn thấy con "đầy đủ bộ phận" là yên tâm chứ không quan tâm đến sức khỏe của bà mẹ. Trong khi đó, các bác sỹ sản khoa cho rằng, tỷ lệ tử vong mẹ có thể giảm nếu sản phụ tuân thủ khám thai định kỳ. Để bảo vệ sức khỏe cho mình và thai nhi, sản phụ cần đảm bảo chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý; đảm bảo vệ sinh. Đăng ký khám thai sớm tại các cơ sở y tế. Khám thai định kỳ: ít nhất 3 lần vào 3 quý của thai kỳ, siêu âm ít nhất 3 lần. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như: Ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, thai cử động bất thường, tử cung bé hơn tuổi thai... cũng nên đi khám và siêu âm kịp thời

Nguồn nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa đang rất thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện. Hầu hết bệnh viện đều bố trí khoa sản chung với khoa ngoại để tận dụng nguồn nhân lực. Theo thống kê, hiện nước ta chỉ có 0,33 bác sỹ chuyên khoa sản/10.000 dân và 0,2 bác sỹ nhi/10.000 dân.

Có tới 25,6% bệnh viện đa khoa huyện không có bác sỹ chuyên khoa sản. Việc thiếu bác sỹ trực đã ảnh hưởng đến việc theo dõi và xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra, đặc biệt là khi có quá đông sản phụ thì càng dễ xảy ra sai sót.

Hiện tình trạng quá tải vẫn khá phổ biến tại hầu hết bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi; không chỉ ở tuyến trung ương mà cả ở các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa, nhi khoa ở tuyến dưới. Cơ sở trang thiết bị các khoa sản - nhi rất khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản khoa - nhi khoa.
Thùy Minh H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin