Phòng chống tai biến sản khoa

5 Tai biến sản khoa thường gặp

5 tai biến sản khoa thường gặp:
- Nhiễm khuẩn hậu sản
- Băng huyết sau sinh
- Vỡ tử cung
- Sản giật
- Uốn ván rốn (tai biến ở trẻ sơ sinh)

Theo nhiều nghiên cứu ở nước ta cho thấy, có 5 tai biến sản khoa thường gặp, dễ dẫn để tình trạng tử vong cho sản phụ, cho đứa trẻ hoặc cho cả sản phụ và em bé sơ sinh. Đó là: Nhiễm khuẩn hậu sản, Băng huyết sau sinh, Vỡ tử cung, Sản giật, Uốn ván rốn (tai biến cho con). Thống kê năm 1990 cho thấy, nước ta có 233 sản phụ tử vong/100.000 trẻ sơ sinh đẻ sống - một con số lớn khiến các nhà hoạch định chiến lược y tế không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới phải thực sự nhìn nhận lại vấn đề.


GS.TS Nguyễn Đức Vy

Chiến lược phòng chống 5 tai biến sản khoa được đưa ra từ nửa thế kỷ trước trở thành nhiệm vụ chung của cả thế giới. Với Việt Nam, việc thực hiện chiến lược này là đặc trưng cho chuyên ngành sản phụ khoa (nó cũng nằm trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nói chung của cả ngành y tế). Hơn 20 năm gần đây, thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác như WHO, UNICEP, VNFPA, PATLFINDER, PATH và các Hiệp hội sản phụ khoa quốc tế như AOFOG, FIGO, IPPF…, cùng Hội sản phụ khoa của nhiều nước trên thế giới, chiến lược này được Hội Sản phụ khoa Việt Nam đẩy mạnh thực hiện. Nhiều chuyên gia sản khoa trên thế giới khẳng định, phòng ngừa tai biến sản khoa là công việc thường xuyên, liên tục, mãi mãi, bởi còn thai nghén, sinh đẻ thì sẽ vẫn còn các biến chứng, bệnh lý, tai nạn xảy ra… mà không thể chấm dứt được (đó là quy luật ngoài ý muốn) của con người trong đó cả thầy thuốc cũng vậy. Chỉ khác là người thầy thuốc có trách nhiệm làm nhiệm vụ được xã hội phân công là phòng, chống các tai biến sản khoa do muôn vàn nguyên nhân dẫn đến cho các sản phụ, cho sơ sinh mà trong đó có cái phòng tránh được, có cái chưa phòng tránh được, thậm chí đã phòng tránh mà vẫn xảy ra. Đó là điều phải hiểu cho rõ là “ngoài ý muốn của con người, của người thầy thuốc”.

Gần 20 năm qua việc thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống 5 tai biến sản khoa đã cho thấy rõ thành công là rất lớn. Tỷ lệ bệnh tật của các bà mẹ, trẻ sơ sinh giảm nhiều (mặc dù sinh đẻ vẫn rất nhiều, trên dưới 2 triệu bé ra đời tại các cơ sở nhà nước (chưa kể tư nhân). Tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng không ngừng giảm đi hàng năm, điều này đã được cả thế giới cũng như trong nước thừa nhận. Sau 10 năm, tỷ lệ tử vong mẹ giảm xuống còn 69 sản phụ tử vong/100.000 trẻ sơ sinh đẻ sống, giảm 2/3. Việc này cho thấy rõ thông qua việc khám và quản lý thai nghén tốt hơn, cơ sở sinh đẻ (nhà hộ sinh, trạm xá, đến Khoa sản đều đảm bảo cơ bản đúng quy định. Và đặc biệt số cán bộ sản, phụ khoa ngày càng được bổ sung, nâng cao hơn về chất lượng. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai, được sinh đẻ… tại cơ sở y tế đã tăng lên nhiều do họ đã có nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau sinh đẻ cho họ và cho con họ.


Tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam đã giảm nhiều sau 10 năm thực hiện Chiến lược Phòng chống 5 tai biến sản khoa

Vì vậy khi có một số tai biến sản khoa xảy ra hoặc cho mẹ, hoặc cho con, hoặc cho cả 2 mẹ con… thì ai cũng thấy đó là vấn đề rất nhạy cảm, thiêng liêng và xót xa, thậm chí đau đớn. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra các đau đớn, xót xa ấy? Rõ ràng là không ai muốn vậy, mà cái chính là sự “bất khả kháng” khi đó do một số vấn đề như tính chất bệnh lý xảy ra trong chuyển dạ đẻ, trong lúc đẻ và cả lúc sau đẻ (tới 72 giờ sau đẻ hoặc lâu hơn). Chưa lường trước được các diễn biến này (dù đã khám và quản lý thai rồi… nay vẫn xảy ra như cơn suy tim thai cấp, chảy máu, sản giật và sốc phản vệ…

Vì sao vẫn còn tai biến sản khoa?

Vì sao vẫn có những sai sót này xảy ra dù Chiến lược Phòng ngừa 5 tai biến sản khoa đã được thực hiện tốt, thu được nhiều kết quả tốt - đã được thế giới công nhận. Trong những buổi Hội thảo quốc tế đánh giá kết quả Chiến lược này, các chuyên gia y tế thế giới đưa ra 5 nguyên nhân chính như sau:

1. Thực trạng bệnh cảnh bất thường xảy ra là bệnh lý mới xuất hiện (vì đẻ là một “vượt cạn” mà ai các cụ xưa còn ví von là “chửa là cửa mả”, ngày nay tuy điều đó không còn nữa nhưng không thể chấm dứt được) là những điều ngoài ý muốn của con người, của thầy thuốc. Có nhiều nguyên nhân mà y học còn chưa biết hết với từng cơ địa sản phụ.


Để phòng ngừa tai biến, sản phụ nên chủ động trong việc chăm sóc và phát hiện sớm bệnh có thể dẫn đến tai biến sản khoa

2. Trình độ của thầy thuốc tại lúc đó cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp (có thể chưa gặp thế bao giờ, kèm theo điều kiện, phương tiện, thiết bị không cho phép họ làm gì hơn dù biết là phải chuyển đi mà cũng không kịp, mời tuyến trên về cũng chậm…) do cái xuất hiện mới ấy, nhất là loại sốc phản vệ, chảy máu cấp, suy tim cấp… cùng các rối loạn khác trong cơ thể bà mẹ.

3. Đặc biệt nữa là đây có thể là những trường hợp không đi khám, quản lý thai sản đúng quy định nên đến lúc sinh mới vào, chưa kịp phát hiện các vấn đề trên đã lên bàn đẻ hoặc sau đẻ bị suy sụp nhanh… do hậu quả của không khám thai trước đó, hoặc chưa khám thai đúng quy định. Mặt khác cũng vẫn phải nói tới đó là do điều kiện môi trường, đời sống của người bệnh, số lần sinh đẻ (lần đầu hay là quá 3 lần rồi…). Có được khám sức khỏe, khám thai và được theo dõi theo quy định chưa? Đã kịp báo cho các cán bộ y tế biết thực trạng của lần có thai này không?

4. Một số nguyên nhân có thể xảy ra là do chủ quan và chưa biết hết chức năng của một thầy thuốc sản khoa từ nữ hộ sinh, y sỹ sản khoa đến bác sỹ vì hạn chế và yếu kém về trình độ…. Cho nên đưa đến chuẩn đoán, xử lý hoặc chuyển tuyến bị chậm. Điều này cần phải khắc phục và chấn chỉnh.

5. Để thực hiện được mong muốn của y học và y tế là ngày càng giảm đi các vấn đề của 5 tai biến sản khoa (không thể nói là “tránh xảy ra” thì không thực tế) vì đó là điều mà thực tiễn đã cho thấy, đặc biệt như sản giật, chảy máu, nhiễm khuẩn, vỡ tử cung, uốn ván rốn… là điều luôn luôn có thể xảy ra (ví dụ như uốn ván rốn sơ sinh, vỡ tử cung từng nơi, từng cơ địa (vì kể cả ở tuyến cao vẫn có thể vỡ tử cung) do sẹo mổ cũ mà chừng nào còn muốn mổ lấy thai nhiều thì nguy cơ cho mẹ và con còn cao.

Để không xảy ra “ba chậm trễ”

"Ba chậm trễ" sản khoa:
- Phát hiện và chẩn đoán sớm
- Có thái độ xử trí đúng lúc, hợp lý (sớm)
- Chuyển tuyến sớm và đúng lúc

Nếu thực hiện đúng và chuẩn các điều trên thì mới nâng cao được chất lượng khám thai, từ đó có tư vấn những vấn đề liên quan đến bà mẹ, thai nhi trong tử cung và có kế hoạch theo dõi, dự phòng cũng như xử lý đúng là hợp lý nhất cho từng sản phụ đến giai đoạn chuẩn bị sinh đẻ (thông qua khám, làm các xét nghiệm cần thiết như nước tiểu, máu, dịch âm đạo (khí hư), siêu âm thậm chí còn phải dùng một số xét nghiệm thăm dò cao cấp hơn… Qua đó có thể thông báo, tiên lượng cho cả gia đình thai phụ biết để cùng phối hợp thực hiện cho có lợi và hợp lý nhất.

Cuối cùng là cả thầy thuốc và thai phụ từ tuyến cơ sở (trạm xá xã, phường, bà đỡ dân gian được phép hành nghề đến tuyến trung ương) cùng phối hợp chặt chẽ để không xảy ra “ba chậm trễ” trong chiến lược phòng, ngừa các tai biến sản khoa. Đó là: Phát hiện và chuẩn đoán sớm; Có thái độ xử trí đúng lúc, hợp lý (sớm); Chuyển tuyến sớm và đúng lúc.

Đó là một số nét cơ bản để cả 2 phía: Phụ nữ mang thai (là chủ yếu) và thầy thuốc chuyên ngành sản phụ khoa, Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cần lưu ý thực hiện. Góp phần làm cho tai biến sản phụ khoa ngày càng giảm đi (trừ các yếu tố bất khả kháng xảy ra khi đã làm tốt các công việc trên). Trên cơ sở là đã có được trang bị kiến thức, tay nghề, cập nhật được thực tiễn lâm sàng trong đó các trang thiết bị đủ và đúng cho các cơ sở y tế từng tuyến, nhất là cần sớm giải tỏa các vấn đề về quá tải bệnh viện, áp lực khám bệnh quá đông tại các phòng khám cũng là yếu tố dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực bổ sung có chất lượng cho y tế, đặc biệt là ngành sản phụ khoa là rất cần thiết.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn