Thời tiết khắc nghiệt "đẩy" nhiều trẻ em, người già vào viện

Liên tiếp tái bệnh vì rét

Bệnh nhi 2 tháng tuổi bị viêm phổi vì trời lạnh nằm điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
Bệnh nhi 2 tháng tuổi bị viêm phổi vì trời lạnh nằm điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Bé N.V.D (18 tháng tuổi, Hải Dương) đã “nhẵn mặt” tại khoa Nhi vì điều trị bệnh viêm tiểu phế quản. Cứ trời đổ rét là bé lại thở khò khử, phải nhập viện điều trị.

Đợt lạnh kéo dài trước Tết, bé đã phải nằm viện điều trị 15 ngày mới đỡ, được xuất viện về ăn Tết yên ổn, vừa trở lạnh được 3 ngày nay, bé lại phải nhập viện điều trị vì sốt, ho, khò khử trở lại.

Theo BS điều trị, bé này bị viêm tiểu phế quản điển hình của ảnh hưởng thời tiết, cứ trở lạnh là khò khử.

Chị Lan, mẹ cháu D cho biết, trước 1 tuổi bé trộm vía gần như ít khi bị ốm, từ sau 1 tuổi, nhất là bắt đầu đợt vào mùa đông, bé thường xuyên ho, sốt, khò khử, là bệnh nhân thường xuyên tại BV Hải Dương. Lúc đầu, chăm con triền miên trong viện hết đợt này đến khác, có khi vừa ra viện 5 ngày lại nhập viện, chị và gia đình rất khủng hoảng tâm lý. Giờ chỉ mong con lớn hơn, thời tiết ấm hơn, sự thích nghi của cơ thể với môi trường sẽ dần tăng lên, con đỡ bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), đợt lạnh sâu bất ngờ sau gần 10 ngày nắng ấm dịp Tết nguyên đán đã khiến rất nhiều trẻ em bị các bệnh lý về viêm đường hô hấp. Số trẻ đến khám, nhập viện tăng khoảng 10-20% so với bình thường. Trong đó, chủ yếu bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao, đặc biệtnhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có biến chứng viêm phổi. Số bệnh nhi đến khám vì các bệnh lý hô hấp này chiếm khoảng 50 - 60% trong tổng số bệnh nhi đến khám.

Các ca viêm phổi ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh đều diễn tiến rất nặng, bệnh nhi phải nhập viện theo dõi, điều trị. Tại khoa, tỉ lệ viêm phổi sơ sinh chiếm khá nhiều và đều là những ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi.

Đặc biệt PGS Dũng lưu ý, thời điểm này, khi dịch sốt siêu vi vẫn đang xảy ra, thì các cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát thân nhiệt của trẻ. Có những đêm trực, kíp trực phải tiếp nhận đến 3-5 ca trẻ bị co giật vì sốt cao, rất nguy hiểm.

Nguyên nhân vì thời tiết lạnh, nhiều trẻ bị sốt nhưng không cộng tác để cha mẹ kẹp nhiệt độ. Cũng với tâm lý sợ con khóc khi kẹp nhiệt độ, nhiều người dùng tay để “cảm nhận” nhưng không chính xác bởi trời lạnh, tay lạnh, sờ đầu con chỉ thấy hơi “âm ấm” nhưng thực ra thân nhiệt trẻ đang rất cao, không kịp hạ nhiệt dẫn đến sốt cao co giật. Vì thế, hãy luôn kiểm soát thân nhiệt của trẻ bằng cách đo nhiệt độ, cởi bớt quần áo cho trẻ khi sốt. Có những trẻ sốt cao dẫn đến rét run, gia đình càng ủ, thân nhiệt càng lên cao, trẻ càng rét. Vì thế, cần hạ thân nhiệt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt, cởi bỏ quần áo, cơn rét run sẽ qua.

Với những bệnh lý bị ảnh hưởng bởi thời tiết như các bệnh về đường hô hấp, phải chú ý để phòng bệnh cho trẻ. Theo đó, không để lạnh đột ngột, không để nóng đột ngột nhất là sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà, ngoài trời lớn. Đêm ngủ phải để ý trẻ, trời lạnh, trẻ đạp chăn ra có thể bị nhiễm lạnh, đổ bệnh. Điều kiện tốt nhất là cho trẻ ở trong phòng điều hòa ấm, vì dù giữ ấm nhưng không khí lạnh, trẻ hít thở qua đường mũi cũng có thể gây bệnh với những trẻ “nhạy cảm” với thời tiết như các bệnh nhân viêm tiểu phế quản, hen…


Lạnh - yếu tố tác động tới bệnh mãn tính

TS. BS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, tại khoa bệnh nhân đến liên tục tăng cao từ các ngày nghỉ Tết đến nay với trung bình 100 trường hợp/ngày, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước tết (trung bình 60-75 ca /ngày). Trong đó, chủ yếu là các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường. Tăng rõ nhất, chiếm đa số là các bệnh nhận bị bệnh về hô hấp, tim mạch. Đây là hai bệnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết.

Một ca cấp cứu ban đêm tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải
Một ca cấp cứu ban đêm tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải

Theo TS.BS Chu Thị Hạnh, phó trưởng Khoa Hô hấp, không khí lạnh giống như một yếu tố stress với cơ thể, từ đó làm khởi phát các bệnh hô hấp mãn tính, các đợt cấp của bệnh lý này ở người già.

“Không khí lạnh là một tác động không tốt với đường hô hấp. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ dẫn đến tình trạng bệnh nhân có nền tảng là bệnh hô hấp mãn tính dễ bị khởi phát đợt cấp và trong một mùa lạnh, chưa kể môi trường ẩm thấp tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh, dễ tấn công người bệnh. Đặc biệt với bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, thời tiết lạnh như hiện nay là một trong những yếu tố nguy cơ làm cho những người bệnh phổi mãn tính có đợt cấp. Cứ đến mùa đông, tỉ lệ nhập viện của các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính lại cao hơn mùa khác từ 20- 30%”, TS Hạnh nói.

Tại khoa Hô hấp, số bệnh nhân mắc phổi tặng nghẽn mạn tính nằm điều trị tại khoa hô hấp khoảng 25- 30% tổng số bệnh nhân. Có những thời điểm cao nhất lên đến 220 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày.

Để phòng bệnh tim mạch, hô hấp, phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già, mọi người không nên ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Buộc ra khỏi nhà lúc sáng sớm phải mặc ấm, giữ ấm cổ, đội mũ, đeo khẩu trang. Ở trong nhà cũng nên giữ ấm, đóng kín cửa, đảm bảo nhiệt độ ổn định không bị lạnh quá. Nên ăn thức ăn ấm, nóng, không nên ăn đồ lạnh. Nếu có các nhiễm trùng tai mũi họng phải điều trị triệt để, nếu không lan xuống đường hô hấp dưới gây nguy cơ các đợt kịch phát mới. Mỗi đợt kịch phát của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp là “nỗi kinh hoàng” cho cả thầy thuốc và bệnh nhân, bởi tình trạng bệnh nặng sẽ đe dọa tử vong, người bệnh phải thay đổi điều trị thường quy, phải nhập viện, theo đó tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, rơi vào trầm cảm, chất lượng cuộc sống giảm sút…

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin