Rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên và đau đớn với ký ức bố mẹ chúng cãi nhau hằng ngày…
11 thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ khi cho trẻ con ăn
Tìm phương án hiệu quả cho mô hình nhóm trẻ cộng đồng
Đừng bao giờ bảo trẻ con giữ bí mật!
Một chuyên gia tâm lý người Mỹ đã tiến hành những cuộc điều tra lớn tại 20 quốc gia trên toàn thế giới, đối tượng điều tra là 50.000 em bé trong độ tuổi từ 8-14. Sau khi điều tra, ông vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng: Mặc dù các em bé đến từ rất nhiều những quốc gia khác nhau, thuộc những dân tộc khác nhau nhưng những mong muốn các em muốn gửi tới cha mẹ lại rất giống nhau. Một trong những điều các em không thích nhất trong cuộc sống đó chính là việc cha mẹ thường xuyên cãi vã.
Cãi vã là chuyện không thể tránh khỏi của nhiều cặp vợ chồng bởi những mâu thuẫn cuộc sống hằng ngày. Đôi khi đó là gia vị của cuộc sống nhưng việc thường xuyên cự cãi lẫn nhau ngay trước mặt trẻ là điều thực sự tệ hại.
Trẻ dễ bị trầm cảm nếu chứng kiến cha mẹ cãi nhau
Trong cuộc đời làm sư phạm của mình, người viết bài từng tiếp xúc với nhiều em nhỏ gặp vấn đề tâm lý ngay khi còn rất nhỏ. Các em bế tắc trong chính cuộc sống đủ đầy vật chất nhưng thiếu sự ý nhị và quan tâm đúng mực của cha mẹ. Tôi vẫn nhớ rất rõ Tuấn – một học sinh của tôi với những sự buồn lo không hề con trẻ chút nào trong ánh mắt em. Tuấn thường thẫn thờ hoặc mơ hồ trong các bài giảng và khi tôi gặng hỏi, bằng ánh mắt đau đớn, em nói rằng “Cô không hiểu đâu! Bố mẹ con hôm qua lại cãi nhau! Họ cãi nhau và định đánh nhau nữa. Bố mẹ không biết là con rất buồn, con xấu hổ… Sao họ cãi nhau mãi thế không biết?... Con buồn, con không muốn học, không muốn ở nhà nữa…”.
Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ "trẻ con thì không biết gì"
Tôi lặng người, hôm sau lập tức nói chuyện với bố mẹ Tuấn. Mẹ của em bối rối cho biết rằng: “Nó bé thế làm sao mà hiểu được chuyện gì đang xảy ra…”. Vậy thì chị nhầm, nhầm to rồi!
Theo các chuyên gia tâm lý, việc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau gây ra hậu quả khôn lường cho trẻ. Từ những đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, các con sẽ sinh ra buồn bã, sợ hãi, thất vọng, chán nản,... rồi xấu hổ với bạn bè. Thậm chí nhiều bé sinh ra trầm cảm, có bé thì trở nên hung hăng, phá phách do bị ảnh hưởng từ hành động của chính bố mẹ mình. Điều đó giải thích tại sao có những đứa trẻ bình thường rất hiền lành nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt, chúng lại trở nên hung hăng, cục cằn, phi nhân tính.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ vì chứng kiến hoặc vô tình biết đến mâu thuẫn của cha mẹ đã có những hành động bột phát gây hậu quả nghiêm trọng: Một bé gái 15 tuổi ở Hóc Môn (TP.HCM) uống 17 viên thuốc chữa bệnh động kinh để khỏi phải chứng kiến những cuộc khẩu chiến của cha mẹ; Một thiếu nữ 17 tuổi ở Phú Yên uống thuốc trừ sâu vì buồn bực cha mẹ cãi nhau. Trường hợp các em trở nên lầm lỳ hoặc trầm cảm, sức học sa sút sau khi thấy cha mẹ cãi nhau là rất nhiều.
Các cha mẹ nếu hôm nay còn định cãi vã, dằn vặt nhau về một chuyện không vừa lòng nào đó, trước khi to tiếng và mặt hầm hầm sát khí, hãy nghe các con được không? Các con rất sợ bố mẹ cãi nhau và các con hiểu rằng, khi bố mẹ cãi nhau, thì bao nhiêu yêu thương bù đắp lại cũng chỉ là điều vô nghĩa.
- Trẻ là thành viên trong gia đình nên cũng có nhu cầu được sống trong tổ ấm đúng nghĩa, không phải “trẻ con thì biết gì” như nhiều người lớn vẫn ngộ nhận.
- Cha mẹ nên học tính kiềm chế. Việc kìm nén cơn giận trước mặt các con phải được nghĩ đến đầu tiên khi có ý định “khẩu chiến”. Thay vì cãi nhau, các ông bố – bà mẹ nên tập cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng, ngăn chặn nguy cơ căng thẳng.
- Trong trường hợp lỡ không kiềm chế được, cha mẹ cần hành động cho con cái hiểu rằng, cha mẹ vẫn yêu thương con.
- Tránh có hành động hung hãn, thô bạo trước mặt trẻ, bởi tất cả những hành động ấy sẽ ở lại trong đầu và bé sẽ học theo.
- Quan trọng hơn cả, sau những cuộc cãi vã, cha mẹ phải làm sao để con không cảm thấy cô đơn, mất chỗ dựa.
Bình luận của bạn