Tìm phương án hiệu quả cho mô hình nhóm trẻ cộng đồng


Vấn đề đãi ngộ, chính sách cho giáo viên mầm non hiện đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều bộ, ngành trên cả nước.

Khó cầu toàn

Với vai trò đơn vị chủ nhà tổ chức hội thảo, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nêu bất cập: “Thời điểm cuối năm 2013, TPHCM có 870 trường mầm non công lập và tư thục, 1.323 nhóm lớp có phép đang hoạt động. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, con số này đã tăng lên 903 trường và 1.490 nhóm lớp. Như vậy trong chưa đầy 2 tháng đã có 33 trường mới được thành lập, bình quân 2 ngày có thêm 1 trường mầm non đi vào hoạt động”. Tuy nhiên, trước tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, hệ thống trường, lớp vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu gởi con của người dân trên địa bàn.

Bà Thanh bày tỏ: “Mặc dù UBND TP đã ban hành chỉ thị yêu cầu đóng cửa, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giữ trẻ không đủ điều kiện hoạt động, tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi chưa thể kiên quyết đóng cửa tất cả cơ sở vi phạm vì nhu cầu của người dân là có thật”. Đồng cảnh ngộ, bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Chủ trương chung của ngành là đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động để bảo đảm an toàn cho các em. Nhưng làm vậy chúng tôi sẽ bị áp lực vô cùng lớn từ phía người dân. Thực tế đã có nơi UBND phường, xã bị hăm dọa nếu đóng cửa các cơ sở giữ trẻ, người dân sẽ đồng loạt… ẵm con lên cho cán bộ phường, xã trông coi”.

Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ: “Nhu cầu gởi con của người dân hiện nay quá lớn. Trong vai trò quản lý, chúng ta không thể đặt ra mục tiêu cầu toàn là xây dựng đầy đủ các cơ sở giáo dục hoàn thành hết 3 nhiệm vụ của giáo dục mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt đối với những địa phương còn quá khó khăn, chỉ có thể đặt ra yêu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, mục tiêu giáo dục chưa thể triển khai”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhấn mạnh, mỗi phường, xã nên phấn đấu xây dựng một trường mầm non công lập trên địa bàn làm cơ sở nòng cốt, từ đó tạo tiền đề phát triển hệ thống trường ngoài công lập và các nhóm trẻ có phép trên địa bàn. Từ đó cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm và sự phối hợp giữa ngành giáo dục và UBND các cấp, sự chung tay hỗ trợ của nhiều ban ngành, đoàn thể xã hội trong việc chăm lo chỗ học cho trẻ mầm non.

Nỗ lực giải khó

Trước thực tế khó khăn đó, các địa phương đã áp dụng nhiều sáng kiến linh hoạt, giải quyết tạm thời bài toán thừa nhu cầu, thiếu chỗ học. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đã phát huy tối đa nguồn lực của các trường mầm non ngoài công lập. “Trong đó, để đảm bảo yêu cầu về điều kiện giáo viên, nhiều chủ trường phải ra tận các tỉnh miền Bắc, huy động cả đội ngũ giáo viên về Bình Dương làm việc, áp dụng các chế độ bao ăn, bao ở giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề”.

Riêng đối với tỉnh Cần Thơ, bà Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Nhằm tạo động lực cho các cô bảo mẫu đi học thêm nâng cao nghiệp vụ, chúng tôi đã áp dụng đồng thời nhiều biện pháp như vẫn chấm công, trả lương trong những ngày giáo viên được cử đi học, chị em nào sau khi hoàn thành các khóa học đạt bằng chứng nhận loại giỏi còn được thưởng thêm từ 500.000-1.000.000 đồng/người để động viên tinh thần vượt khó”.

Ở góc độ các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết, từ năm 2012, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình nhóm trẻ cộng đồng, huy động nhiều đơn vị, lực lượng trong xã hội chung tay chăm lo cho trẻ mầm non. Cụ thể, hội đã chọn nhóm trẻ Hoa Mai ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và nhóm trẻ Hoàng Yến ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương - vốn là hai nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động do còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, giáo viên, bảo mẫu…

Trải qua hơn 6 tháng huy động nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, đến nay hai nhóm trẻ đã hoàn thiện các điều kiện và được cấp phép hoạt động. “Từ con số chỉ hơn 46 trẻ thời điểm trước khi được cấp phép, đến nay số lượng trẻ được nuôi giữ tại đây đã hơn 160 bé, trong đó có 110 bé trong độ tuổi 6-36 tháng”, bà Mai vui mừng cho biết. Trước thành công của việc thí điểm mô hình này ở hai tỉnh Long An và Bình Dương, TPHCM đã đưa việc phát triển mô hình này vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014 - 2015.

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao mô hình nhóm trẻ cộng đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có thêm nhiều bổ sung, chỉnh sửa quy định về yêu cầu quản lý đối với bậc mầm non như phân tầng quy mô các nhóm trẻ, quy định số lượng trẻ tối đa và tối thiểu cho một nhóm trẻ tư thục, nâng cao yêu cầu về trình độ tối thiểu đối với chủ các cơ sở mầm non ngoài công lập từ THCS lên THPT, bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi cho giáo viên các trường ngoài công lập…

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn