Lấy ráy tai: Cẩn thận điếc!

Nhiều người rất thích lấy ráy tai tai bởi cảm giác êm ái, dễ chịu

Có thể xác định danh tính bằng ráy tai

Ráy tai tiết lộ về... chủ nhân

Rận mu "tái xuất" tấn công người

Cảnh giác với viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ

Thủng màng nhĩ vì viêm tai giữa

Thủng màng nhĩ nhờ... ngoáy tai

Trên thị trường hiện nay đang bày bán rất nhiều các dụng cụ lấy ráy tai như bông tăm tiệt trùng, cây lấy ráy tai bằng kim loại… nên nhiều gia đình cũng sắm cho mình một bộ, thậm chí nó còn là “vật bất ly thân” đối với nhiều người. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vừa tiếp nhận bệnh nhi T.V.H (18 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị uốn ván do thủng màng nhĩ. Được biết khi bố mẹ thấy trong tai bé có nhiều ráy nên đã dùng móc kim loại lấy ráy tay nhưng khi đang lấy thì bé khóc ré lên và 2 ngày sau có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc.

Trường hợp khác, lại có người trở thành "con nghiện" của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc. Chia sẻ về sở thích này, anh Trần Ngọc K. (Q.Tân Bình,TP.HCM) cho biết, anh không có thói quen lấy ráy tai nhưng vào một ngày, anh K. được bạn rủ đi hớt tóc với lời giới thiệu “lấy ráy tai vừa sạch tai, nghe rõ mà cảm giác êm ái như được massage”. Khi làm thử một lần, thấy thích anh đâm "ghiền". Điều đáng nói là, sau vài lần đi "ngoáy", thay vì tai nghe rõ anh lại có biểu hiện suy giảm thính lực, chảy máu tai. Hốt hoảng, anh K. vào viện khám thì được bác sỹ cho biết anh bị thủng màng nhĩ.

BS. Lợi chia sẻ: “Tai là một trong những cơ quan giác quan với chức năng là nghe và thăng bằng. Ráy tai là chất được tiết ra do các tuyến dưới da phần ngoài của ống tai, mục đích giúp bảo vệ da ống tai tránh tổn thương và nhiễm trùng”.

Theo BS. Nguyễn Thành Lợi - Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai - Mũi- Họng TPHCM: "Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi phải nhập viện vì lấy ráy tai gây thủng màng nhĩ. Có bé nhìn thấy bố mẹ ngoáy tai nên cũng bắt chước làm theo mà trẻ thì không ý thức được nên cứ ngoáy cho đến khi tai bị tổn thương, thậm chí thủng màng nhĩ dẫn đến bị điếc."

Đặc biệt, đối với người lớn, do tâm lý nhờ người khác lấy ráy tai sẽ có cảm giác êm ái, dễ chịu hơn nên nhiều người ra tiệm cắt tóc để lấy ráy tay. Ban đầu có thể giải quyết được cơn ngứa nhưng kéo theo đó là khả năng bị lây các bệnh về tai. BS. Lợi nhấn mạnh không chỉ trở thành “ghiền” dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc mà những người được lấy ráy tai còn đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân được lý giải là các dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại dễ gây tổn thương đến các bộ phận của tai, bởi người lấy ráy tai không rành chuyên môn, không biết cấu trúc của tai. Nếu lỡ tay nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến các bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nếu lỡ tay nặng thì dẫn đến thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực, nặng dần thành điếc. 

Người dân cần cẩn trọng khi đi lấy ráy tai ở hiệu

"Đã có nhiều trường hợp viêm tai giữa gây chảy mủ nhưng không được điều trị kịp thời khiến viêm tai xương chũm, lâu ngày khiến tổn thương não và sọ, có thể gây xuất huyết não dẫn đến tử vong. Cũng nói thêm rằng các dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm hớt tóc thường không vô trùng, vì vậy chúng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm", BS. Lợi chia sẻ.

Ráy tai không hề thừa

Theo chuyên gia, cấu tạo tai của mỗi người bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ. Ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã gọi là ráy tai.

Ráy tai có thể khô hoặc ướt là tùy thuộc từng cá thể. Ráy tai cũng có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn. Ráy tai phủ một lớp mỏng trên da ống tai ngoài, được hình thành do chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào chết, nó đóng vai trò như một “vệ sỹ” ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài, đe dọa thính giác. Dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra ngoài.

Thói quen ngoáy tai lấy ráy tai nhiều gây rách, trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai. Vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai hoặc do bơi ở những ao hồ nước bẩn hay bể bơi lâu ngày không thay nước.

Mặt khác lấy ráy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém. Nhiều người đã đến tiệm cắt tóc để lấy ráy tai nhưng do không được đào tạo bài bản nên thợ cắt tóc không có kiến thức về sinh lý cũng như bệnh lý của tai. Do đó, có người sau khi lấy ráy tai đã bị ngứa tai hoặc ráy tai nhiều hơn, đóng đầy trong ống tai gây ù tai, nghe kém bởi dụng cụ lấy ráy tai đã truyền bệnh từ người này qua người kia.

Thủng màng nhĩ do ngoáy tai bằng tăm bông

Có biểu hiện bất thường cần đến khám BS chuyên khoa

Tai có cơ chế tự làm sạch, chất ráy tai di chuyển chậm, liên tục mang theo bụi dơ và biểu bì từ trong ra ngoài, khô và rơi ra cửa tai. Chính vì vậy, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai làm trái với quy luật tự nhiên của nó. BS. Lợi chia sẻ: “Ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai, đặc biệt người lớn không nên để trẻ em bắt chước vì tai của trẻ mỏng manh dễ bị tổn thương. Ngoáy tai là sự lạm dụng quá đáng, là thói quen không tốt gây ứ đọng chất bẩn, tổn thương và viêm nhiễm ống tai, có thể gây thủng màng nhĩ lâu dần thành điếc…".

Trong khi tắm, không để nước vào tai, không được nhỏ bất kỳ một loại thuốc nào vào tai khi không có sự thăm khám của BS chuyên khoa. Nếu nước vào tai thì có thể nghiêng đầu và lắc nhẹ cho nước trong tai chảy ra và dùng khăn mềm lau ở cửa tai, chú ý không dùng tăm bông để ngoáy tai. Nếu cảm giác tai vẫn ngứa thì dùng tay cho nhẹ vào cửa tai để giảm cơn ngứa. Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn càng ngoáy tai thì càng ngứa, mà càng ngứa thì lại ngoáy làm tai tổn thương nhiều hơn thì nên đến BS chuyên khoa để được lấy ráy tai đúng phương pháp, an toàn tránh mắc các bệnh về tai.

Nhiều người cho rằng lấy ráy tai bằng tăm bông tiệt trùng thì sẽ an toàn, đảm bảo vệ sinh. “Trên thực tế việc tự ý ngoáy tai bằng tăm bông ít gây tổn thương, gây bệnh cho tai như bộ dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại. Tuy nhiên, lấy ráy tai bằng tăm bông sẽ làm cho tai tiết ra nhiều ráy hơn, khi cho tăm bông vào tai thì chúng ta có cảm giác tai đã sạch nhưng thực chất đã đẩy chất bẩn vào sâu bên trong gây ùn ứ, tù đọng ở màng nhĩ”, BS. Lợi nói.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tai mũi họng