Ghi nhận cho thấy cùng một mặt hàng sữa nhưng tại nhiều nơi, giá lại chênh lệch nhau tới vài chục ngàn đồng. Bên cạnh đó, giữa giá bán sỉ đăng ký với Bộ Tài chính và giá bán lẻ ra thị trường cũng có khoảng cách lớn.
Mỗi nơi một giá
Khảo sát tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM cho thấy giá sữa bán lẻ vẫn thất thường, mỗi nơi một giá khác nhau. Tại khu vực đường Nguyễn Thông (Q.3), dòng sản phẩm sữa Enfagrow A+3 loại 1,8kg bán ra dao động 860.000-870.000 đồng/hộp. Trong khi đó cũng nhãn sữa này, ghi nhận tại một cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) giá ghi trên nhãn đã ở mức 885.000 đồng/hộp.
Tương tự, dòng Enfamil A+1 loại 900gr cũng được đẩy lên mức 560.000 đồng/hộp tại cửa hàng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), trong khi giá tại cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) chỉ ở mức 548.000 đồng/hộp.
Khảo sát đối với các dòng sản phẩm của Abbott cũng cho thấy tại nhiều nơi, nhiều khu vực, giá sữa đã chênh lệch nhau 10.000-30.000 đồng/hộp tùy loại. Cụ thể, sữa Similac Gain 3 loại 900gr của Abbott ở mức gần 470.000 đồng/hộp tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, trong khi tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ giá ở mức 480.000-485.000 đồng/hộp.
Giá sữa không chỉ chênh lệch giữa các cửa hàng mà còn chênh lệch giữa giá đăng ký với Bộ Tài chính và giá bán lẻ thực tế ngoài thị trường. Theo danh sách kê khai giá mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi của các hãng sữa với Bộ Tài chính, giá nhiều mặt hàng đã chênh lệch từ vài chục tới gần cả trăm ngàn đồng. Cụ thể, sản phẩm sữa Enfagrow A+1 loại 1,8kg ở mức 672.441 đồng/hộp, trong khi giá niêm yết tại cửa hàng lại tới 869.000 đồng/hộp, chênh lệch tới 197.000 đồng/hộp. Hay Enfamil A+1 loại 900gr đăng ký ở mức 430.000 đồng/hộp, giá thị trường ở mức 555.000 đồng/hộp.
Ghi nhận tại thị trường Hà Nội cũng cho thấy giá bán lẻ trên thị trường cao hơn giá bán sỉ mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý tới vài chục ngàn đồng/sản phẩm.
Đơn cử, tại siêu thị Metro Hà Đông, Frisolac Gold có giá 516.000 đồng/hộp loại 900gr, Friso Gold dành cho trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi là 508.000 đồng/hộp 900gr, Friso 2 dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi có giá 298.000 đồng/hộp 900gr. Trong khi đó, các mặt hàng này được Công ty Friesland Campina đăng ký giá bán sỉ với Bộ Tài chính thấp hơn 30.000-50.000 đồng/hộp tùy từng sản phẩm.
Hay sản phẩm của Công ty TNHH dinh dưỡng 3A cũng vậy, giá bán lẻ tại siêu thị này cao hơn so với giá bán sỉ tới 30.000-70.000 đồng/hộp. Đơn cử như sữa Grow - G Powder dành cho trẻ 3-6 tuổi có giá 444.000 đồng/hộp 900gr, Pedia Sure BA dành cho trẻ 1-10 tuổi giá 579.000 đồng/hộp 900gr...
Giá bán lẻ tại Hà Nội giữa các quận huyện cũng vênh nhau đến 10.000-30.000 đồng/hộp. Ghi nhận tại phố Vạn Bảo, sữa Similac dành cho trẻ 0-6 tháng tuổi có giá 250.000 đồng/hộp 400gr, trong khi đó cũng sản phẩm này ở một số cửa hàng trên phố Hàng Buồm thì được bán chỉ 235.000-240.000 đồng.
Theo đại diện Bộ Tài chính, giá bán sỉ mà doanh nghiệp kê khai với cơ quan quản lý giá đã tính chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Do đó, việc giá sữa bán lẻ cao tới cả trăm ngàn đồng một hộp là điều bất hợp lý. Bộ Tài chính cũng vừa cử cán bộ đi ghi nhận giá hơn 100 sản phẩm sữa trên thị trường để có đánh giá khách quan và chính xác về mức chênh lệch này. Ban đầu ghi nhận giá sữa bán lẻ cao hơn giá bán buôn khoảng 5-10% và diễn ra ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Không biết kê khai ở đâu
Liên quan đến vấn đề quản lý giá bán lẻ, hầu hết các đại lý đều thừa nhận chỉ niêm yết giá bán chứ không biết phải kê khai hay đơn vị nào kiểm soát giá bán. Chủ đại lý Hùng (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM) có nhiều năm kinh doanh mặt hàng sữa cho biết thông thường giá bán được các đại lý đưa xuống thì cứ thế bán theo chứ không biết phải kê khai như thế nào. "Giá bán được dán hết trên sản phẩm rồi, tôi nghĩ đâu cần phải kê khai làm chi nữa" - anh Hùng cho hay. Một số đại lý trên đường Nguyễn Thông (Q.3) cũng cho rằng giá bán được các đại lý cấp 1 đưa xuống bằng văn bản cho các cửa hàng, sau đó căn cứ theo đó để bán cho người tiêu dùng.
Về mức chênh lệch giữa giá bán sỉ với giá bán lẻ sữa rên thị trường, đại diện Bộ Tài chính cho biết theo quy định nghị định 177 năm 2013, Cục Quản lý giá chỉ quản lý giá bán sỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường như Công ty Mead Johnson, Công ty Nestlé VN, Công ty FrieslandCampina... Còn giá bán sỉ của các doanh nghiệp khác thuộc trách nhiệm quản lý của sở tài chính địa phương. Riêng giá bán lẻ mặt hàng này tại các cửa hàng, đại lý được phân cấp cho các quận huyện nơi các cửa hàng, đại lý hoạt động.
Vẫn theo Bộ Tài chính, sắp tới giá sữa bán lẻ sẽ được siết chặt hơn, trong đó quy định việc quản lý giá sữa bán lẻ đã phân cấp rồi, các quận huyện phải giám sát quản lý chặt chẽ. Nếu giá bán lẻ bằng với giá mà doanh nghiệp kê khai với cơ quan quản lý giá thì cửa hàng, đại lý chỉ việc áp dụng. Còn trường hợp giá bán lẻ cao hơn giá bán buôn thì khi kê khai giá, đơn vị bán lẻ phải giải trình lý do tăng giá. Cơ quan quản lý giá sẽ không chấp thuận việc tăng giá quá mức, bất hợp lý của các cửa hàng, đại lý.
Tuy nhiên, một chuyên gia về chính sách giá cho rằng các quận huyện sẽ không có ngay người để làm việc này. Và việc họ có thể giám sát được giá sữa tăng hợp lý hay không là chuyện càng khó. Bởi thị trường sữa rất phong phú với hàng trăm chủng loại của hơn 50 công ty, nhà phân phối. Còn kênh phân phối thì nhiều tầng nấc trung gian. Riêng cửa hàng, đại lý bán lẻ sữa ở một quận thôi cũng có đến vài chục điểm kinh doanh.
Về điều này, đại diện Bộ Tài chính đồng tình cho rằng khó có quận huyện nào phân công riêng cán bộ quản lý giá sữa. Nhưng luật và nghị định đã quy định rồi, các tỉnh thành đều phải vào làm. "Không thể có chuyện ai đó nói là không có người hay kêu khó mà không thực hiện. Vì sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn giá nên không thể để các đại lý phân phối móc túi người tiêu dùng một cách hợp pháp như hiện nay" - vị đại diện Bộ Tài chính nói.
Doanh nghiệp sữa chỉ quản giá bán sỉ Đại diện một nhà sản xuất sữa cho hay hiện các doanh nghiệp sữa chỉ quản lý giá bán sỉ đối với các đại lý phân phối. "Chúng tôi có từ 1-2 đại lý phân phối tại các tỉnh, và chỉ những đại lý này chịu sự quyết định giá từ nhà sản xuất" - vị đại diện này khẳng định. Sau đó thì giá được "thả tự do" cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Mỗi nhà phân phối đều có cơ chế về giá đối với các đại lý và cửa hàng bán lẻ tương đối giống nhau. "Giá các sản phẩm được đưa xuống các cửa hàng tương đối giống nhau, không có sự phân biệt, tuy nhiên doanh số khác nhau sẽ quyết định tỉ lệ chiết khấu, chính điều này làm giá bán lẻ thường nháo nhào mỗi đợt tăng giá" - vị đại diện này cho hay. |
Theo LÊ THANH - DŨNG TUẤN
Bình luận của bạn