Các bệnh lý tiềm ẩn
BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích: "Ở con người có 2 quá trình diễn ra song song là tạo xương và hủy xương. Ở trẻ em, quá trình tạo xương mạnh mẽ hơn hủy xương, giúp cơ thể ngày một phát triển. Dần dần, khi tuổi càng cao, tình hình bị đảo ngược: Hủy xương nhanh hơn tạo xương, dẫn đến loãng xương".
Theo BS Thu, loãng xương thường gặp ở tuổi trên 40, nhất là phụ nữ, bởi quá trình chuyển hóa canxi, tạo xương còn liên quan đến hormone sinh dục. Khi mãn kinh, hormone sinh dục suy giảm làm họ dễ bị loãng xương. Tuy nhiên, nếu hiện tượng loãng xương xảy ra khi tuổi đời còn quá trẻ, đặc biệt là ở thanh thiếu niên, có thể đây là một dấu hiệu báo động và là biến chứng đi kèm của một căn bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn.
Nên tìm đến bác sĩ khi có các
dấu hiệu đau nhức xương khớp bất thường
Theo BS Vũ Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh, có khá nhiều dạng bệnh lý có thể dẫn đến loãng xương: Bệnh lý tuyến giáp (bướu giáp), tuyến cận giáp, tuyến vỏ thượng thận; chứng suy thận mãn; các bệnh về khớp; các bệnh liên quan đến nội tiết như suy giảm nội tiết tố sinh dục, tiểu đường; cơ thể kém hấp thu canxi…
Những người phải chạy thận nhân tạo, bị chấn thương phải nằm lâu, viêm xương, có chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, đang sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu, thuốc tiểu đường và một số dược phẩm khác ảnh hưởng đến việc chuyển hóa và hấp thụ canxi…, hiện tượng loãng xương sớm cũng có thể xảy ra.
Bệnh vì… ăn kiêng
BS Thu cho biết ông từng gặp nhiều bệnh nhân trẻ tuổi có dấu hiệu loãng xương chỉ vì tuân thủ chế độ ăn kiêng ngặt nghèo. "Thường gặp nhất là tình trạng ăn thiếu đạm vì… sợ mập. Điều này cũng tác động đến tình trạng loãng xương. Có khá nhiều nữ bệnh nhân bị loãng xương cho biết họ đã duy trì chế độ ăn chỉ với rau, nước ép trái cây trong thời gian dài và tránh xa tuyệt đối những thực phẩm có đạm, mỡ…" - BS Thu băn khoăn.
BS Định ví von: "Có thể ví chất đạm - protein như một cái "khung" có tác dụng định hình, kết dính trong quá trình tạo xương, còn canxi và khoáng chất như những viên gạch. Dù bổ sung thật nhiều canxi mà không có protein thì cũng vô ích. Thực tế, nếu ăn chay, chúng ta vẫn có thể bổ sung đạm qua những thực phẩm tự nhiên giàu đạm như các loại đậu. Nếu muốn ăn kiêng, nên thiết kế thực đơn hợp lý, bảo đảm không thiếu các chất căn bản và phải kết hợp với tập luyện mới có hiệu quả. Tập thể thao ngoài việc đạt được mục tiêu giảm cân còn giúp quá trình sinh xương diễn tiến mạnh mẽ hơn".
Theo BS Thu, những trường hợp loãng xương diễn tiến sớm do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý có thể được cải thiện bằng việc thay đổi chế độ ăn. Ngược lại, nếu loãng xương ở độ tuổi quá trẻ mà không được khắc phục thì khi đến tuổi trung niên, nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp càng cao, loãng xương càng nặng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
BS Thu khuyến cáo: "Khi có các dấu hiệu bất thường như đau nhức ở khớp xương (cảm giác như có
kiến bò bên trong), bị đau khi trở mình, đã uống thuốc điều trị đau nhức xương khớp nhưng ngưng
thuốc lại bị tái phát…, các bệnh nhân trẻ tuổi nên tìm đến phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán
chính xác và kịp thời điều trị".
Sợ nắng cũng dễ loãng xương! Theo BS Mai Văn Thu, thói quen sợ ánh nắng vô tình khiến nguy cơ bị loãng xương của nhiều người tăng cao. "Cần tránh cái nắng trưa gay gắt, có hại cho sức khỏe chứ không nên tránh nắng hoàn toàn. Nắng sớm trước 10 giờ rất tốt cho cơ thể và không hại da như nhiều người nghĩ, lại cần thiết cho việc tổng hợp vitamin D - một loại vitamin đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo xương" - ông giải thích.Theo BS Thu, đừng nên quá "kín cổng cao tường" khi ra đường buổi sáng. Nếu có điều kiện đi biển, tắm nắng, nên chọn đồ bơi để những vùng cơ thể thường bị quần áo thông thường che kín có cơ hội tiếp xúc ánh nắng, giúp các khớp xương chắc khỏe hơn. |
Bình luận của bạn