Miền Trung: Chênh vênh nguy hiểm cầu treo


Cầu treo xã Hóa Thanh, Minh Hóa, Quảng Bình xuống cấp và hết hạn sử dụng. Ảnh: MINH PHONG


Hiểm nguy chực chờ

35 hộ dân của tổ 6 và tổ 9 ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ, Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm trong núi rừng ở bờ Nam sông Re cách trung tâm xã và trường học một con sông. Muốn qua trung tâm xã, con em đến trường, chữa bệnh… hơn 10 năm trước, họ phải tự lực góp tiền, góp công xây cầu treo. Ông Đinh Thành Phú - tổ 6 thôn Gọi Re, xã Ba Xa cho hay: “Ngày xưa chưa có cầu, cha mẹ phải lội sông cõng con đi học. Nguy hiểm và cực nhọc nên số lượng học sinh ra lớp ít. Mà cứ để vậy thì con cháu sẽ không biết cái chữ. Rồi bà con đi làm cũng khó khăn. Vì con chữ và cái ăn mà chúng tôi mới góp công, góp của xây cầu”. Tâm ý của đồng bào Hrê ai nghe xong cũng đều thấu hiểu. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm về trước. Hiện tại, cầu đang là chiếc bẫy chết người vì đã xuống cấp trầm trọng. Về thôn Gọi Re, ai có dịp nhìn thấy chiếc cầu treo mỏng manh vắt qua dòng sông Re, bên dưới đá lởm chởm khiến ai cũng phải rùng mình. “Chỉ có bà con ở tổ 9 và tổ 6 mới dám đi qua cầu này, chứ người khác mới nhìn cũng sợ toát mồ hôi rồi” - bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa nói. Do cầu rất yếu nên phải từng người một lần lượt đi qua. Những lúc mưa gió cầu lắc mạnh chẳng ai dám đi.

Bà Lê nói: “Nhiều lần chính quyền địa phương xuống tận nhà động viên 35 hộ dân không nên qua lại chiếc cầu treo này nữa. Nhưng họ bảo không qua cầu treo thì con em họ đi học bằng cách nào. Bà con ra xã phải lội sông thì bao giờ mới đến. Vấn đề này một mình xã chẳng thể giải quyết nổi.” Do vậy, ngay đầu cầu đã có tấm bảng viết chữ lớn: “Cầu đã hỏng, cấm qua lại” nhưng người dân thôn Gọi Re vẫn thản nhiên qua lại như không và mỗi ngày có 55 em học sinh từ cấp mầm non đến THCS sử dụng chiếc cầu treo nguy hiểm (dài khoảng 25m) này để vào trung tâm xã, huyện đi học.

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Tính mạng của gần 120 người thuộc 35 hộ dân sinh sống ở bờ phía nam sông Re có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào nếu vẫn sử dụng chiếc cầu xuống cấp đó. Nhưng huyện Ba Tơ vẫn phải chờ ý kiến của cấp trên về việc cấp kinh phí xây cầu. Chuyện này nằm ngoài khả năng của huyện.

Thực trạng trên cũng đang xảy ra tại cầu treo bắc qua suối La La, xã Tân Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). Được xây dựng từ năm 2002 phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 20 hộ dân ở bản Vây, nay cầu treo này đã hư hỏng nặng, mặt cầu là những thanh tre mục, hệ thống dây cáp hoen gỉ. Chính quyền địa phương đã phải dựng rào ngăn hai đầu cầu, đồng thời triển khai lắp đặt tạm cầu gỗ dưới suối.

Ông Hồ Thanh, người dân bản Vây 2, xã Tân Lập cho biết, từ khi có cây cầu này đã giúp cho bà con trong bản đi lại được thuận tiện hơn. Nhưng từ năm 2012 cầu bắt đầu xuống cấp không đảm bảo an toàn, đã có trường hợp người đi trên cầu bị trượt chân ngã nhưng may mắn bám được dây cáp nên không rơi xuống sông. Còn xe cộ qua lại cây cầu treo này bị rơi xuống sông là chuyện xảy ra thường xuyên.

Trông chờ kinh phí


Cầu treo trên địa bàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI


Cầu treo dây võng Bình Thành (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được xây dựng từ năm 2002, với số vốn 2 tỷ đồng; dài 140m, rộng 4m; nối liền tuyến giao thông huyết mạch giữa xã Bình Thành với QL 49, qua thời gian nay đã xuống cấp nên bắt buộc phải hạ tải xuống 10 tấn so với thiết kế 18 tấn ban đầu. Tỉnh Quảng Nam có lẽ dẫn đầu miền Trung về số lượng cầu treo khi có đến 162 chiếc, trong đó có 63 cầu tạm do người dân và chính quyền địa phương tự xây dựng, không có bản vẽ thiết kế và đang xuống cấp nhưng không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Trong số 99 cầu treo xây dựng kiên cố thì có đến 56 cầu đã xuống cấp. Đáng ngại, hầu hết cầu treo hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có biển báo giới hạn trọng tải cho phép và không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, do số lượng cầu treo trên địa bàn tỉnh quá lớn nên đến nay các đoàn kiểm tra vẫn chưa khảo sát hết số cầu treo trên địa bàn. Sau khi kiểm tra, rà soát, Sở GTVT sẽ đánh giá chất lượng, tải trọng của từng cầu treo, chiếc nào đảm bảo an toàn thì cho lưu thông, còn lại phải duy tu, bảo dưỡng hoặc tháo bỏ. Về lâu dài, Sở GTVT Quảng Nam nghiên cứu thiết kế thay thế cầu treo bằng cầu bê tông cốt thép.

Tại Quảng Ngãi có 24 chiếc cầu treo tại các huyện miền núi, trong đó có 8 cầu treo bị xuống cấp nghiêm trọng. 2/3 trong số những cầu treo này được xây dựng cách đây hơn 10 năm nên đã hư hỏng, ván cầu bị gãy, các đà ngang, dọc bị mục nát... Sở GTVT đã đình chỉ, cấm người và phương tiện lưu thông trên 3 cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng, gồm cầu treo Huy Măng (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây); cầu treo Thôn Băng ở (xã Trà Hiệp, Trà Bồng) và cầu treo Làng Chai ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ.

Theo ông Đặng Văn Minh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, với những cầu đã hỏng, không đảm bảo an toàn, sở sẽ phối hợp với các địa phương bố trí kinh phí khẩn trương khắc phục, sửa chữa. Riêng ở Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường đã có văn bản yêu cầu các địa phương tháo bỏ cầu treo Làng Hồ 1, Làng Hồ 2 Làng Hồ 3, Nguồn Rào (huyện Hướng Hóa) và cấm qua lại các cầu treo Bản Mới, Làng Cát, Bản Pin, Bản Vây 2 hiện đã bị hư hỏng nặng, để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc sở GTVT Quảng Bình cho biết, trên địa bàn có 10 cây cầu treo phục vụ hàng chục ngàn người dân miền núi các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa thì 9 cầu đã hư hỏng phần mặt hơn 70%, trụ cầu bị sụt trượt do lũ cuốn, gầm cầu và các thanh sắt, cáp treo bị gỉ sét. Hiện Bộ GTVT đã đồng ý hỗ trợ địa phương 13 tỷ đồng từ Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa các cây cầu treo bị xuống cấp. Trong thời gian sửa chữa, nâng cấp cầu, Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện làm cầu tạm hoặc bố trí thuyền đưa đón để bảo đảm việc đi lại cho người dân.

Tỉnh Hà Tĩnh có 4 cầu treo dây võng nhưng cả 4 đều xuống cấp đáng báo động. Một số gióng treo và bu lông quang treo bị gỉ sét mạnh (gần đứt), nhiều bu lông cùm bản Robinson bị gỉ sét và đứt gãy, một số giằng gió bị nhả bật mối hàn, dầm dọc, dầm ngang bị hoen gỉ, cáp treo bị cọ xát vào thành mố néo, bị võng giữa cầu… Đặc biệt, nguy hiểm nhất là cầu treo Hà Linh (xã Hà Linh) mặc dù đã có biển báo cấm nhưng một số xe tải nhỏ, xe công nông, xe 7 chỗ vẫn “cố tình” đi qua… đe dọa nguy hiểm cầu có thể bị đứt, gãy bất cứ lúc nào. Sở GTVT Hà Tĩnh đã đề nghị UBND huyện Hương Khê khẩn trương thay thế các quang treo, bu lông đã bị hoen gỉ, chốt quang treo không đúng quy cách (quá nhỏ)… bổ sung biển báo hạn chế số lượng người đi trên cầu Hà Linh tối đa là 10 người. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để lập phương án sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng cầu Hà Linh và 3 cầu còn lại.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin